Lại nhớ cách đây vài năm, chuyến đi Đồng Nai của tôi có món quà về nhà bằng cặp bưởi với bao bì rất đẹp, vừa tay xách, ghi rõ chỉ dẫn địa lý; không như những trái bưởi rời rạc, không nhãn mác của ta.
Quà lưu niệm du lịch là một phần không thể thiếu của du khách trong mỗi chuyến đi, giúp lưu giữ lại những kỷ niệm đẹp và cảm xúc về địa điểm vừa ghé thăm. Những món quà lưu niệm mang tính truyền thống còn có giá trị vô cùng đặc biệt, nhất là quà lưu niệm từ những địa điểm có nền văn hóa, truyền thống lâu đời.
Chúng giúp ta lưu giữ lại kỷ niệm về chuyến đi, giúp giới thiệu văn hóa và truyền thống địa phương, tạo thu nhập cho người dân và đóng góp vào sự phát triển kinh tế của địa phương. Hơn thế, chúng làm tăng tính du lịch bền vững, do du khách có thêm ý thức về bảo tồn văn hóa và môi trường địa phương.
Điểm lại thì thấy tỉnh ta đã có những loại quà lưu niệm là những sản phẩm thủ công (đồ mây tre đan, đồ dệt...) được sản xuất bằng tay bởi người dân địa phương; thực phẩm và đồ uống đặc sản (các loại sản phẩm OCOP), quần áo và phụ kiện có in logo, bước đầu thể hiện được nét đẹp văn hóa của địa phương.
Tuy nhiên, cần tạo ra những sản phẩm mang tính truyền thống độc đáo và khác biệt so với các địa phương khác từ những giá trị lịch sử, văn hóa của địa phương. Ví như bên cạnh việc thâm canh sản xuất, cần làm cho du khách biết nhãn Thái Bình là sản phẩm của vùng có chiến thắng Bình Ca; bưởi Phúc Ninh, Xuân Vân là sản phẩm của vùng có Trận địa lôi Km 7; Gạo Tân Trào mang những câu chuyện về dấu ấn ATK một thời hay những sản phẩm thổ cẩm vùng cao thấm đẫm các truyền thuyết về nơi sơn kỳ thủy tú…
Đó chính là cách để tạo sự khác biệt, vừa tạo thu nhập cho người dân, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, vừa giới thiệu và quảng bá về văn hóa, nét riêng có của địa phương với du khách.
Gửi phản hồi
In bài viết