Gỡ “nút thắt” xây dựng nông thôn mới nâng cao

- Các địa phương trên địa bàn tỉnh đang đẩy mạnh các phong trào thi đua, nỗ lực hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới (NTM) nâng cao. Tuy nhiên, hiện còn nhiều tiêu chí gặp khó cần sự vào cuộc quyết liệt...

Những trở ngại

Hiện nay, toàn tỉnh có 54 xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2022, tỉnh đề ra mục tiêu có 5 xã đạt chuẩn NTM nâng cao là Yên Nguyên (Chiêm Hóa), Kim Quan (Yên Sơn); Hồng Lạc, Ninh Lai (Sơn Dương), Lưỡng Vượng (TP Tuyên Quang); 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu là Sơn Nam (Sơn Dương), Mỹ Bằng (Yên Sơn). Tuy nhiên, quá trình thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, các địa phương gặp không ít khó khăn khi thực hiện tiêu chí thu nhập, nâng cao hơn nữa đời sống của người dân, tiêu chí môi trường và việc bố trí kinh phí thực hiện các tiêu chí về xây dựng hạ tầng, giao thông. Đây là những thách thức, trở ngại lớn trong chương trình mục tiêu xây dựng NTM.

Anh Trần Văn Thịnh, Giám đốc HTX Hưng Thịnh, thôn Cây Cọ, xã Sơn Nam (Sơn Dương) kiểm tra chất lượng quả thanh long.

Xã Kim Quan (Yên Sơn) là xã vùng sâu, vùng xa; nguồn thu nhập chính của nhân dân chủ yếu là từ sản xuất nông, lâm nghiệp; trình độ dân trí không đồng đều... Đó là những rào cản xây dựng NTM nâng cao ở vùng đất này. Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết, đến thời điểm này, xã mới đạt 9/19 tiêu chí NTM nâng cao, còn 10 tiêu chí chưa đạt là: Giao thông, giáo dục, văn hóa, nhà ở dân cư, thu nhập, lao động, tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn, y tế, môi trường, chất lượng môi trường sống. Trong đó, đối với tiêu chí thu nhập phải đạt 47 triệu đồng/người/năm, đến nay xã mới đạt 42 triệu đồng… Trong xây dựng NTM nâng cao thì tiêu chí thu nhập và tiêu chí môi trường, giao thông luôn là những tiêu chí khó, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền và nhân dân trong thời gian tới. 

Xã Ninh Lai (Sơn Dương) hiện mới đạt 11/19 tiêu chí NTM nâng cao, các tiêu chí đạt chủ yếu là tiêu chí ít đòi hỏi sự đóng góp của người dân. Thách thức lớn đối với cấp ủy, chính quyền và người dân chính là tiêu chí quy hoạch, giao thông. Đồng chí Hoàng Khánh Linh, Chủ tịch UBND xã cho biết, do người dân chủ yếu làm nông nghiệp, dịch vụ thương mại chưa phát triển, trình độ dân trí không đồng đều; nên khi huy động nguồn kinh phí từ nhân dân để thực hiện các công trình, phần việc rất khó thực hiện. Mặc dù tỉnh, huyện đã dành nguồn kinh phí nhất định để thực hiện các tiêu chí của xã NTM nâng cao, nhưng do nguồn kinh phí hạn hẹp nên việc đầu tư xây dựng  hạ tầng như đường giao thông và đầu tư quy hoạch chưa được đảm bảo.

Những trở ngại, khó khăn trong xây dựng NTM nâng cao đã được chính quyền các địa phương đánh giá, tiếp tục có giải pháp thực hiện hiệu quả, đặc biệt là phát huy vai trò chủ thể của người dân hoàn thành các tiêu chí.

Gỡ “nút thắt”

Để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, xã Kim Quan đã chủ động xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí nông thôn mới để phấn đấu đạt các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xã nông thôn mới nâng cao trong năm 2022.

Tuyến đường hoa thôn Thanh Thất, xã Sơn Nam (Sơn Dương) góp phần đảm bảo tiêu chí cảnh quan môi trường.

Đồng chí Trọng Văn Vĩnh, Chủ tịch UBND xã Kim Quan cho biết, địa phương tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa; đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật, gắn sản xuất với thị trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả; xây dựng và tham gia chuỗi liên kết từ sản xuất đến chế biến, tiêu thụ nông sản gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”. Trong đó xã tập trung vào chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhất là phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh. Tổ chức thực hiện tốt các cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp kinh tế nông thôn của Trung ương, của tỉnh nhằm khai thác thế mạnh về trồng rừng (chú trọng phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC,...), sản xuất chè đặc sản (phát triển vùng chuyên canh sản xuất chè đặc sản tại thôn Khuôn Hẻ, xây dựng nhãn hiệu Chè đặc sản Ngọc Thúy Khuôn Hẻ,...), phát triển chăn nuôi gà (chăn nuôi gà đen, tiến tới xây dựng thương hiệu “Gà đen Kim Quan”,...) và chăn nuôi đại gia súc (nhân rộng các mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo,... tại các hộ gia đình theo hướng liên kết từ khâu chăm sóc đến tiêu thụ với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành),...

Sau khi đạt chuẩn xã NTM nâng cao bộ mặt xã Sơn Nam (Sơn Dương) được đổi mới, văn minh hơn. Hạ tầng cơ sở thiết yếu được nâng cấp, hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố, thu nhập và điều kiện sống của nhân dân được cải thiện và nâng cao. Chia sẻ về tháo gỡ “nút thắt” trong xây dựng NTM nâng cao, đồng chí Dương Chí Thành, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Nam phấn khởi nói:  Đạt thành quả trên, xã đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo để gỡ “nút thắt” cho NTM nâng cao như: chọn các tiêu chí, phần việc dễ, cần ít kinh phí để tập trung thực hiện trước; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao; chỉ đạo mỗi thôn xây dựng một mô hình “điểm” nhằm từng bước nhân rộng... Với cách làm này, xã đã tạo được những điểm nhấn và bứt phá ấn tượng trong phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng NTM nâng cao.

Từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sơn Nam đổi mới rất nhiều. Hệ thống kết cấu hạ tầng trường học, trạm y tế, đường giao thông, điện thắp sáng... được đầu tư, tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt và sản xuất. Năm 2020, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 36 triệu đồng/người/năm, đến cuối  năm  2021 thu nhập bình quân đạt trên 43 triệu đồng/người/năm.

Chương trình mục tiêu xây dựng NTM là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, có điểm xuất phát nhưng không có điểm dừng. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang tiếp tục xác định chương trình xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên, liên tục, lâu dài theo hướng bền vững với sự tham gia của người dân là chủ yếu. Để các địa phương về đích NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2022 theo đúng tiến độ đề ra, bên cạnh sự nỗ lực của chính quyền và Nhân dân các địa phương, rất cần sự hỗ trợ của tỉnh trong việc tháo gỡ những khó khăn về kinh phí xây dựng hạ tầng cho các địa phương này.

Lý Thu

Tin cùng chuyên mục