Khéo ăn thì no…

- Theo Tổng cục Thống kê, số người rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần để giải quyết những khó khăn trước mắt tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân của tình trạng này là do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và những biến động về chính trị và thị trường thế giới khiến giá cả nhiều mặt hàng leo thang. Thu nhập của người lao động sụt giảm trầm trọng, nhiều người lao động từ các khu cụm công nghiệp trở về quê và sử dụng hết số tiền tích lũy.

Trước những khó khăn của người lao động, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách góp phần hỗ trợ người lao động như hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động, hỗ trợ khôi phục sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm và bảo đảm an sinh xã hội đối với người lao động...

Việc rút BHXH một lần chỉ giải quyết được bài toán trước mắt, khiến người lao động mất nhiều lợi ích về sau. Bởi BHXH như một quỹ, một khoản đầu tư lâu dài của người lao động, đặc biệt là sau khi về hưu, hết tuổi lao động hay không còn khả năng lao động. Người đã rút BHXH một lần sẽ không được tiếp tục đóng BHXH. Nên về lâu dài, người lao động sẽ bị cắt quyền được hưởng các chế độ về hưu trí, y tế... ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống an sinh, đặc biệt trong bối cảnh dân số nước ta bắt đầu già hóa.

Ông bà ta có câu “Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”. Đã đành những khó khăn là hiện hữu, nhưng càng lúc khó khăn càng cần đề cao tinh thần tiết kiệm và đổi mới sáng tạo. Việc rút BHXH 1 lần chỉ càng làm cho bản thân khó khăn hơn về sau.

Thái An

Tin cùng chuyên mục