Thu hút trí thức về nông thôn

- Nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Mục tiêu cao nhất trong phát triển nông nghiệp, nông thôn là nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn.

Nhìn lại thời gian qua thì thấy, trình độ, học vấn của nông dân nước ta từng bước được nâng cao; tư duy sản xuất kinh doanh nông nghiệp không ngừng đổi mới. Nông dân đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tham gia hợp tác, liên kết, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Tuy nhiên, cơ cấu lao động nông thôn còn nhiều bất cập; lao động nông thôn có xu hướng già hóa; năng suất lao động và thu nhập bình quân của cư dân nông thôn còn thấp, tỉ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Tuyên Quang.

Từ những vấn đề trên của nông dân và cư dân nông thôn, quá trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao rất cần phát triển nguồn nhân lực nông thôn để đáp ứng nhu cầu cơ cấu nền nông nghiệp, phát triển nông thôn bền vững. Trước kia, ta thường quan tâm thu hút nguồn nhân lực cao về các cơ quan nhà nước. Nay nông thôn cũng rất cần thu hút đội ngũ trẻ có tri thức, năng lực về công tác. Họ sẽ là những người tiên phong trong việc ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, cơ giới hóa, tự động hóa; gắn kết chặt chẽ nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ, sản xuất với bảo quản, chế biến và tiêu thụ nông sản tại nông thôn. Đội ngũ này sẽ làm cơ sở cho việc chuyển hướng nền nông nghiệp nhỏ lẻ sang nền nông nghiệp phát triển bền vững, ứng dụng công nghệ cao… Từ đó góp phần nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền.

Thực tế tại nhiều địa phương trong tỉnh đã cho thấy, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp mang lại lợi nhuận cao thường là của những người trẻ, có trình độ. Nhiều trí thức từng đi du học hoặc làm việc ở các thành phố lớn đã “bỏ phố về quê làm nông nghiệp”, tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Tuy nhiên, đó mới chỉ là tự phát. Chính vì vậy, xây dựng nông thôn mới cần có những chính sách thu hút nhân lực cụ thể, đủ hấp dẫn; để khu vực nông thôn ngày càng nhiều thêm lực lượng lao động có trình độ, năng lực, thay vì chỉ biết cần cù, chăm chỉ, làm theo kinh nghiệm như trước.

Thái An

Tin cùng chuyên mục