Những giải pháp căn cơ

- Giá nguyên vật liệu “đầu vào”, nhất là giá xăng dầu tăng cao... đang tạo áp lực đối với nền kinh tế và đời sống người dân. Doanh nghiệp sản xuất cầm chừng; nông dân lao đao vì giá vật tư, phân bón tăng cao; nhà nhà phải thắt chặt chi tiêu... Ứng phó với “bão giá”, rất nhiều giải pháp căn cơ được thực hiện. Dưới đây là ý kiến của một số ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân về vấn đề này.

Ông Phạm Hùng Sơn
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh

Cùng với các chính sách miễn, giảm thuế đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh của ngành Thuế, để kiểm soát tốc độ tăng chỉ số CPI trên địa bàn tỉnh, Cục Thống kê tỉnh đề xuất một số giải pháp cụ thể như chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ, chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, tham mưu với tỉnh đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, nhất là các hàng hóa thiết yếu; có các cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ các doanh nghiệp khai thác nguồn nguyên vật liệu trên địa bàn và các doanh nghiệp sản xuất để giảm áp lực lạm phát. Đặc biệt, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền công khai minh bạch về giá, hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, tác động bất ổn đến thị trường.


Ông Lộc Kim Liễn
 Phó Giám đốc Sở Công Thương

Sở Công Thương theo dõi, đôn đốc các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa để chủ động nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và hàng hóa có nhu cầu sử dụng cao nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của nhân dân. Đồng thời, phối hợp với UBND các huyện, thành phố khuyến khích, vận động các siêu thị, trung tâm thương mại, các doanh nghiệp phân phối bán buôn, bán lẻ trên địa bàn tham gia dự trữ và bán hàng bình ổn giá cả thị trường. Ngành tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, liên kết vùng giữa các tỉnh, thành phố để chủ động nguồn cung đối với các mặt hàng thiết yếu và hàng có nhu cầu sử dụng cao. Sở phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, giám sát, bảo đảm ổn định thị trường, giá cả.


Bà Mai Thị Thanh Bình
 Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

Để giúp người lao động vượt qua giai đoạn khó khăn, 6 tháng đầu năm, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng bảo hiểm cho 33.067 người lao động với số tiền là 10,5 tỷ đồng; thực hiện giải quyết chế độ hưởng bảo hiểm thất nghiệp cho 2.095 lao động với số tiền trên 27 tỷ đồng. Đến nay, đã tuyển sinh và đào tạo nghề cho 3.530 người, tạo việc làm mới cho 11.358 người… Ngành cũng tổ chức rà soát, hỗ trợ kinh phí tiền thuê nhà cho 160 lao động với tổng số tiền là 270 triệu đồng. Qua đó nhằm tạo điều kiện giúp người lao động vượt khó, ổn định cuộc sống.


Ông Ma Phúc Dự
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên

Không để ai bị bỏ lại phía sau, huyện Hàm Yên đã tích cực, chủ động triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm hỗ trợ người dân trong bối cảnh khó khăn về kinh tế và tình hình “bão giá” như hiện nay. Theo đó, tập trung phát triển kinh tế, tổ chức tốt các dự án lao động, việc làm, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. Đồng thời, thực hiện hiệu quả chính sách về bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh cho người dân. Riêng đối với những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, huyện đã kịp thời hỗ trợ về vật chất, động viên về tinh thần để người dân vượt qua khó khăn vươn lên trong cuộc sống. Tính từ đầu năm đến nay huyện đã hỗ trợ gạo cho 2.652 lượt hộ trong thời điểm giáp hạt; hỗ trợ cho 585 hộ nghèo làm mới nhà ở; cho 3.086 hộ vay vốn để đầu tư phát triển kinh tế... Chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh và sự quan tâm của huyện đời sống người dân trên địa bàn huyện được ổn định.


Ông Hoàng Minh Sơn
Giám đốc Hành chính - Nhân sự, Công ty cổ phần Giấy An Hòa

Việc giá xăng dầu tăng mạnh thời gian qua đã kéo theo nhiều mặt hàng khác tăng theo trong đó có nguyên nhiên vật liệu để sản xuất giấy và bột giấy. Do đó, công ty đã chủ động cắt giảm một số khoản chi phí, tăng sản lượng sản xuất, tìm nguồn cung cấp nguyên liệu, hóa chất tại một số thị trường nước ngoài để thay thế nguồn nguyên liệu trong nước có xu thế tiếp tục tăng giá nhằm đảm bảo giá thành sản phẩm không tăng theo giá nguyên liệu đầu vào. Tuy gặp khó khăn và chịu nhiều ảnh hưởng từ thị trường, song công ty luôn nỗ lực ổn định sản xuất, đảm bảo việc làm cho 100% cán bộ, công nhân viên; đảm bảo thu nhập cho người lao động. Thu nhập bình quân của người lao động trong công ty hiện đạt 10 triệu đồng/người/tháng. Với việc kiểm soát chặt chi phí đầu vào, dự kiến năm 2022 mọi chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh của công ty sẽ đạt và vượt kế hoạch đề ra.


Chị Vũ Thị Hương
Tổ 3, phường Phan Thiết (TP Tuyên Quang)

Giá cả các mặt hàng tăng đột biến nên người tiêu dùng phải tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng hơn, tiết kiệm và thắt chặt các khoản chi tiêu. Trước hết là điều tiết thói quen mua sắm, phải giảm bớt những khoản chi cho những việc không cần thiết hoặc chưa thực sự cần thiết, thực hành tiết kiệm, tránh lãng phí. Nói chung, những người giữ “tay hòm chìa khóa” phải mua sắm có kế hoạch hơn, đánh giá lại các thứ tự ưu tiên, chuyển sang tiêu dùng khoa học, hợp lý hơn để thích ứng với giá cả leo thang, bảo đảm ổn định cuộc sống.

 

Tin cùng chuyên mục