Soi Hồng Lương hay Hồng Nương?

- L.T.S: Hiện Tuyên Quang đang triển khai việc đặt tên đường, tên phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh với quan điểm: việc đặt tên phải phù hợp với bản sắc địa phương, thật sự tiêu biểu, nằm trong danh sách Ngân hàng tên đường, phố, công trình công cộng trên địa bàn tỉnh được phê duyệt, được đại bộ phận nhân dân đồng tình ủng hộ. Trong đó có tên đường sẽ mang tên Hồng Lương - một trong những địa danh của thành phố Tuyên Quang đã đi vào lịch sử với cơ sở cách mạng in ấn truyền đơn kêu gọi tinh thần yêu nước, đoàn kết đấu tranh chống áp bức bóc lột, chuẩn bị thành lập chi bộ đảng đầu tiên của tỉnh. Báo Tuyên Quang xin giới thiệu bài viết: Hồng Lương hay Hồng Nương của nhà nghiên cứu lịch sử Phí Văn Chiến về tên gọi của địa danh này.

Theo sách Lịch sử Đảng bộ thị xã Tuyên Quang (1940 -2008) của Ban Chấp hành Đảng bộ thị xã Tuyên Quang biên soạn, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Hà Nội, 2009, soi Hồng Lương cùng với soi Sính là 2 địa danh thuộc thị xã Tuyên Quang, nơi “có cơ sở cách mạng tác động mạnh mẽ tới đông đảo nhân dân lao động thị xã và nông dân các vùng phụ cận” (trang 35). Nhiều văn bản khác của tỉnh và người dân Tuyên Quang cũng quen gọi địa danh này là soi Hồng Lương. 

Nhưng chúng tôi khẳng định: địa danh này có tên Hồng Nương.

Muốn biết tên gọi địa danh là Hồng Lương hay Hồng Nương chúng ta phải có tiêu chí để đánh giá. Tiêu chí mà chúng tôi chọn là căn cứ vào thư tịch cổ đang lưu trữ ở các viện nghiên cứu của quốc gia và đã được xuất bản thành sách, rồi công bố rộng rãi trong cả nước, chứ không căn cứ vào người nào đó đã viết và đọc N thành L làm chuẩn. Trong đó sách phải có hai yếu tố, yếu tố thứ nhất là Địa chí và Địa danh cổ đó có viết về Tuyên Quang; thứ hai phải căn cứ vào chữ Hán viết tên địa danh đó trong địa danh cổ này như thế nào, có đúng không?

Bãi soi trên sông Lô đang có ý kiến trao đổi về tên gọi Hồng Lương và Hồng Nương. Ảnh:Quang Hòa

Cuốn “Các Trấn - Tổng - Xã Danh bị lãm” - “là bộ địa danh gần như độc nhất trong kho sách Hán - Nôm của Viện nghiên cứu Hán - Nôm của nước ta” (trang 5, sách đã dẫn), sách viết từ năm 1810 đến năm 1819 thời vua Gia Long, do Dương Thị The và Phạm Thị Thoa của Viện Hán - Nôm dịch, xuất bản năm 1981. Sau đó đến năm 2012, sách được đổi tên là “Địa danh làng xã Việt Nam thế kỷ 19” của Viện nghiên cứu Hán - Nôm, do Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin xuất bản năm 2012.

Theo sách này, thì cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19, xứ Tuyên Quang không có địa danh nào là HỒNG LƯƠNG, mà có tới 2 địa danh mang tên HỒNG NƯƠNG ở tổng Trung Môn và tổng Lang Quán của huyện Phúc Yên, phủ Yên Bình xứ Tuyên Quang. Thời Nguyễn, huyện Phúc Yên bao gồm phần lớn huyện Yên Sơn, một phần huyện Hàm Yên, trong đó có thị xã Tuyên Quang mà nay là thành phố Tuyên Quang.

Trang 87 sách “Các Trấn, Tổng, Xã danh bị lãm” xuất bản năm 1981 viết: “Tổng Trung Môn có 14 xã, phường, phố, chòm bến là: Trung Môn, Ỷ La, Chân Sơn, Linh Sơn, Xuân Huy, phố Tam Kỳ, phường Quảng Đồn, phường Chử Thị, phố Khách, chòm Hồng Nương, bến Cầu Vu. (Hồng Nương bằng chữ Hán:  tổng Trung Môn, huyện Phúc Yên, phủ Yên Bình xứ Tuyên Quang).

Tổng Lang Quán có 8 xã: Hoa Sơn, Văn An, Lang Quán, Hoàng Lang, Hoằng Nghị, Hoằng Nhậm, Trình Lang và Hồng Nương” (Hồng Nương bằng chữ Hán: tổng Lang Quán huyện Phúc Yên, phủ Yên Bình, xứ Tuyên Quang).

Sách “Địa danh các làng xã Việt Nam thế kỷ 19” trang 112 xuất bản vào năm 2012 cũng viết giống y hệt như sách “Các Trấn, Tổng, xã danh bị lãm”. Sách viết như sau:

“Tổng Trung Môn có 14 xã, phường, phố, chòm bến là: Trung Môn, Ỷ La, Chân Sơn, Linh Sơn, Xuân Huy, phố Tam Kỳ, phường Quảng Đồn, phường Chử Thị, phố Khách, chòm Hồng Nương, bến Cầu Vu.

Tổng Lang Quán có 8 xã: Hoa Sơn, Văn An, Lang Quán, Hoàng Lang, Hoằng Nghị, Hoằng Nhậm, Trình Lang và Hồng Nương”.

Điều này cho thấy, dù có xuất bản sau, thì sách “Địa danh các làng xã Việt Nam thế kỷ 19” đều căn cứ vào sách gốc, là cuốn sách cổ duy nhất về địa danh làng xã Việt Nam từ cuối thế kỷ 18 sang đầu thế kỷ 19 “Các Trấn, Tổng, Xã danh bị lãm”. Sách này hiện đang lưu trữ tại viện Hán - Nôm, trong đó có địa danh HỒNG NƯƠNG, chứ không có HỒNG LƯƠNG!

Đối chiếu với Chữ Hán cổ viết trong hai địa danh này thì thấy, chúng có tự dạng giống hệt nhau, bao gồm hai chữ là Hồng và Nương. Từ điển Thiều Chửu và từ điển điện tử của Nguyễn Văn Hùng cũng giải thích y hệt nhau về nghĩa của hai từ này. Cả hai cuốn Từ điển đều cho biết: Hồng có nghĩa là “màu hồng hay màu đỏ”; Nương có nghĩa là “cô nương”, dịch sang tiếng việt là cô gái, mẹ, chị. Ghép hai từ Hồng và Nương lại với nhau ta có HỒNG NƯƠNG, nghĩa là “cô gái mặc áo hồng”, một câu chuyện về cái soi đầy huyền bí này.

Vẫn theo hai từ điển trên, chữ HỒNG LƯƠNG thì Hồng vẫn là màu hồng, hoặc màu đỏ, nhưng chữ Lương có tới 16 nghĩa, có chữ Lương là để tang cho mẹ, có chữ Lương là mát mẻ, có chữ Lương là buồn rầu, có chữ Lương là nước Lương, có chữ Lương là cái rầm hoặc xà nhà... ghép chữ Hồng với 16 chữ Lương này thì chữ HỒNG LƯƠNG trở nên phản cảm và vô nghĩa.

Với hai địa danh HỒNG NƯƠNG trong sách Địa danh cổ, cũng như đối chiếu với chữ Hán cổ viết trong hai sách này có tự dạng giống hệt nhau, thì chúng tôi cho rằng: HỒNG NƯƠNG mới đúng là tên gọi của địa danh Soi Hồng Nương, còn HỒNG LƯƠNG là không đúng và vô nghĩa.

Từ tài liệu Địa danh cổ và Hán ngữ viết đúng với địa danh này của Tuyên Quang, rất mong bộ phận nghiên cứu lịch sử của Tuyên Quang nghiên cứu và sửa lại chữ HỒNG LƯƠNG trong sách Lịch sử Đảng bộ tỉnh (1940 - 1975), sách Lịch sử Đảng bộ thị xã Tuyên Quang (1940 - 2008) cho đúng với chữ và nghĩa HỒNG NƯƠNG) trong địa danh cổ đang lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán - Nôm của nước ta, để di tích cách mạng soi HỒNG NƯƠNG đúng nghĩa, đúng với giá trị lịch sử cách mạng mà nó đã có. 

Đây cũng là việc làm cần thiết để việc đặt tên đường phố và các văn bản sau này liên quan đến địa danh được chính xác.

Phí Văn Chiến

Tin cùng chuyên mục