Với quan niệm trần sao âm vậy, nhiều gia đình đã tìm mua các sản phẩm hàng mã mô phỏng những vật dụng hiện đại như: điện thoại di động, nhà lầu, xe hơi, các loại quần áo, giày, mũ, tiền, vàng… để đốt với mong muốn người chết có cuộc sống đủ đầy ở thế giới bên kia. Lý giải cho hiện tượng này, nhiều nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng bởi người dân chưa thực sự hiểu hết ý nghĩa lễ Vu Lan nên có những hành vi thực hành nghi lễ sai lệch. Trong Phật giáo chỉ ra rằng muốn linh hồn cha mẹ, ông bà được siêu thoát thì mỗi người phải hành động bằng cái tâm trong sáng, hướng thiện, lối sống vị tha, biết chăm lo cho những người xung quanh. Ngoài lễ Vu Lan, trong tháng 7 âm lịch còn có lễ xá tội vong nhân. Dân gian quan niệm ngày Rằm tháng 7 là ngày “mở cửa ngục” để các cô hồn nhận đồ cúng tế nên được gọi là ngày “xá tội vong nhân”. Lễ xá tội vong nhân và lễ Vu Lan báo hiếu mặc dù có sự khác nhau nhưng đều thể hiện nét đẹp văn hóa của dân tộc với mục đích bày tỏ lòng nhớ ơn những người đã khuất, nhất là gia tiên tiền tổ và thể hiện sự thương cảm đối với những người đã mất không được thờ cúng.
Để hạn chế tình trạng đốt vàng mã của người dân, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành các văn bản hướng dẫn, tuyên truyền việc thực hiện nếp sống văn minh tại các lễ hội, cơ sở thờ tự tín ngưỡng, trong đó có việc hạn chế đốt vàng mã, đồ mã. Nhiều địa phương, đơn vị đã ban hành văn bản chỉ đạo và xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trong đó có thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.
Tuy nhiên, để phát huy ý nghĩa tích cực của văn hóa tín ngưỡng tôn giáo, đồng thời hạn chế những tiêu cực nảy sinh trong quan niệm thực hành lễ Vu Lan, mỗi người cũng nên tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa cách hành lễ truyền thống để có những hành động thiết thực, tích cực cho gia đình và cho xã hội.
Gửi phản hồi
In bài viết