Quan tâm từ những điều nhỏ nhất
Về già, ông bà, cha mẹ có cách sinh hoạt, ăn uống khác với con, cháu. Đôi khi chỉ cần một lời nói vô tình của con, cháu cũng khiến người già tủi thân, phiền lòng. Chăm sóc ông bà, cha mẹ khi về già đòi hỏi con cái sự kiên nhẫn, sẻ chia, cảm thông rất lớn.
Vợ chồng ông bà Đỗ Đức Học và Lê Thị Dần, 74 tuổi, tổ 4, phường Hưng Thành (TP Tuyên Quang) có 3 người con trai hiện nay đều là cán bộ. Gia đình người con trai cả hiện đang công tác tại tỉnh Hà Giang. Ông Học kể, tuổi đã cao nên trong sinh hoạt có nhiều điểm rất khác nhau với các con, cháu. Ông bà muốn ăn cơm sớm, đi nghỉ sớm và dậy từ rất sớm để tập thể dục, vệ sinh cá nhân, nhà cửa. Do răng yếu nên hầu hết các món ăn, ông bà đều thích ăn đồ mềm, đã ninh nhừ, trong khi các con, cháu ông thì thích ăn đồ chín tới. Đặc biệt, ông bà thích yên tĩnh. Tuổi cao nên khả năng nghe cũng đã kém, nên đôi khi, các con, cháu phải lại gần, nói đủ nghe, ông bà mới có thể nghe rõ. Nắm bắt được tâm lý của bố mẹ nên gia đình anh con trai thứ 2 của ông, bà đã đồng ý cho ông bà vẫn ngủ, nghỉ trong ngôi nhà gần kề nhưng các bữa ăn đều do vợ chồng anh, chị nấu nướng, chăm sóc để ông bà ăn cùng, sum vầy vui vẻ với con, cháu. Các bữa ăn được chuẩn bị đa dạng các món, phù hợp với khẩu vị của ông, bà. Gạo được lựa chọn là loại gạo dẻo, thơm, khi nấu được cho nhiều nước hơn để cơm mềm, ông bà dễ ăn. Ông Học mắc bệnh tiểu đường, bà Dần mắc bệnh khớp, định kỳ ông bà đều đi khám bệnh. Các con ông, bà dù bận bịu nhưng thay nhau luân phiên bố trí đưa ông, bà đi khám bệnh, lấy thuốc. Con dâu thứ hai của ông rất thích tập yoga, nhảy dân vũ. Nhưng chị luôn chú ý thời gian tập luyện vừa đủ và mở nhạc nhỏ để không làm ảnh hưởng đến ông, bà.
Vu Lan là dịp để những người con thể hiện tình yêu thương, lòng biết ơn với đấng sinh thành. Ảnh: Nguyễn Chính
Anh Đỗ Đức Hiệp, con trai ông Học chia sẻ: “Chúng tôi luôn để ý những thói quen, mong muốn của cha mẹ trong sinh hoạt hàng ngày để mình cũng điều chỉnh cách sinh hoạt cho phù hợp, quan tâm đến cha mẹ từ những điều nhỏ nhất, không để cha mẹ chạnh lòng”.
Có thể nói, chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi về già là công việc không hề dễ dàng. Để làm hài lòng cha mẹ khi về già, con cháu phải dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu và trên hết phải luôn hiếu kính, lễ phép với ông bà, cha mẹ.
Cha mẹ già như chuối chín cây
Một bài hát từng viết “Mẹ già như chuối chín cây” để nói về sự mong manh sống còn của ông bà, cha mẹ khi tuổi cao, sức yếu. Chăm sóc, phụng dưỡng ông bà, cha mẹ khi họ còn sống đã khó nhưng khi tuổi cao, bệnh tật, sức yếu không thể đi lại, tự phục vụ cho bản thân được càng khó khăn hơn nhiều. Hầu hết ông, bà cha mẹ khi ốm đau, bệnh tật đều phải nương tựa vào con, cháu. Ở tổ 14, phường An Tường (TP Tuyên Quang), ai cũng biết đến tấm lòng hiếu kính của vợ chồng anh Bùi Xuân Mạnh và Đinh Thị Hương. Nhiều năm qua, anh chị chăm sóc, phụng dưỡng hết lòng người mẹ già Đồng Thị Hoa, 93 tuổi, hiện đang nằm liệt giường. Làm công việc đồng áng khá vất vả nhưng anh, chị luôn dành thời gian thay nhau có mặt ở nhà để vệ sinh cá nhân, bón cháo, nước, thuốc cho mẹ mình. Bà Hoa hiện không thể ăn được cơm nên ngày ngày, ba bữa ăn, anh chị đều phải xay nhuyễn thức ăn thành bột để bón cho bà. Những đêm bà Hoa đau người, anh chị thay nhau thức xoa bóp, động viên, pha trò để cho mẹ mình vui. Bà Nguyễn Thị Chiến, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ 14 cho biết, mặc dù bà Hoa ốm đau trong thời gian dài, mọi việc ngay cả vệ sinh cá nhân cũng đều nhờ vào các con nhưng chưa bao giờ thấy anh Mạnh và chị Hương phàn nàn. Chỗ ăn, nghỉ của bà Hoa luôn sạch sẽ, ngăn nắp, thoáng mát. Chị Hương dù là con dâu nhưng luôn dành cho mẹ chồng sự chăm sóc chu đáo như mẹ ruột.
Gia đình của anh Hà Thế Vững, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận (Yên Sơn) xem lại những kỷ niệm đáng nhớ bên cha mẹ.
Hai vợ chồng ông Hà Xuân Độ, bà Nguyễn Thị Phượng, gần 70 tuổi, thôn Nhùng Dàm, xã Tứ Quận (Yên Sơn) hiện đang ở cùng với gia đình anh con trai cả là Hà Thế Vững. Bà Phượng rất thích văn nghệ nên được các con động viên, khuyến khích tham gia đội văn nghệ của thôn. Hầu như tối nào, con bà cũng chở mẹ ra nhà văn hóa thôn để sinh hoạt văn nghệ với người cao tuổi. Còn ông Độ rất thích công việc nuôi ong mật, thả cá. Các con ông thường nhắc nhở ông lao động vừa sức, dành thời gian nghỉ ngơi. Những việc nặng nhọc như quay mật, lấy cỏ cho cá…, các con ông đều nhận phần làm thay ông. Anh Hà Thế Vững, con trai ông Độ cho biết: “Cha mẹ mình vẫn còn khỏe là vốn quý nhất. Làm con, mình phải nâng niu, giữ gìn sức khỏe của cha mẹ như chính sức khỏe của mình”. Ngoài thời gian lo việc đồng áng, anh Vững và chị Chanh đều về sớm lo việc bếp núc, cơm nước, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, thoáng mát, không để bố mẹ mình làm thay. Bởi vậy, ngôi nhà của anh chị luôn hòa thuận, ngập tràn tiếng cười, ông Độ, bà Phượng thấy mình như trẻ ra.
Chăm sóc cha mẹ già nhiều khi không nhất thiết phải là tiền bạc, vật chất, đôi khi chỉ đơn giản là dành thời gian, thể hiện sự yêu thương. Điều này được thể hiện qua những hành động chia sẻ nhỏ bé, giúp cha mẹ không rơi vào tâm lý buồn bã và suy nghĩ mình là gánh nặng cho con cái. Ở giai đoạn “gần đất xa trời”, sức khỏe như “ngọn đèn trước gió”, hơn lúc nào hết, người già cần sự yêu thương, sẻ chia, thấu hiểu nhiều nhất. Phận làm con, hãy sống sao để khi cha mẹ qua đời, không phải cúi đầu nói câu xin lỗi.
Gửi phản hồi
In bài viết