Mới đây, sau khi Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã công khai 12.028 trang thông tin sao kê danh sách các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, dư luận xã hội vô cùng bất ngờ và bức xúc khi lộ ra nhiều cá nhân lên mạng đăng tải, khoe hình ảnh ủng hộ với số tiền lớn nhưng thực tế lại chỉ chuyển khoản ủng hộ số tiền chỉ vài nghìn đến vài trăm nghìn đồng. Thậm chí, có cá nhân còn chỉnh sửa ảnh chuyển khoản, sửa biên lai chuyển tiền. Một số người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên mạng xã hội sau đó đã phải đăng đàn xin lỗi, thừa nhận sự giả dối. Thế nhưng cư dân mạng cho rằng, dù có xin lỗi nhưng uy tín của những cá nhân này cũng không thể lấy lại được. Bởi xét ở góc độ văn hóa, đạo đức hay pháp lý, việc lợi dụng ủng hộ trong lúc người dân đang phải gồng mình khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai đều là hành vi trục lợi, đáng bị lên án.
Việc “làm màu”, “đánh bóng” tên tuổi của mình thông qua hoạt động từ thiện, nhân đạo trước đây cũng từng xảy ra và bị cộng đồng lên án khi một đoàn từ thiện trao quà cho học sinh khó khăn chỉ chú ý đến việc tạo dáng chụp ảnh để đăng mạng xã hội, thậm chí khi máy ảnh vừa chụp xong thì cũng đặt phắt đứa trẻ xuống đất.
Do đó, để tránh tình trạng “làm màu”, đánh bóng tên tuổi khi đi từ thiện, cần hình thành văn hóa từ thiện. Việc minh bạch, công khai là rất cần thiết. Đồng thời cần thay đổi cách nhìn về làm từ thiện, mọi đóng góp dù là nhỏ cũng đáng trân trọng, từ thiện không chỉ đóng góp bằng vật chất mà còn là sự sẻ chia, mang đến niềm tin và hy vọng cho người khác. Chỉ khi người làm từ thiện nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của hoạt động từ thiện xuất phát từ tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng chứ không phải để chứng tỏ bản thân thì khi đó sẽ góp phần hình thành văn hóa từ thiện chuyên nghiệp, bền vững.
Gửi phản hồi
In bài viết