Cần liên kết bốn nhà

- Tỉnh Tuyên Quang được đánh giá là tỉnh có nguồn dược liệu tự nhiên phong phú, đa dạng về chủng loại. Theo thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh có gần 227 ha trồng cây dược liệu, trong đó có nhiều loài cây có giá trị kinh tế cao như: giảo cổ lam, cát sâm, sâm bố chính, đinh lăng, sachi, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô...

Cây dược liệu tại Tuyên Quang có hầu hết ở các huyện, thành phố nhưng tập trung nhiều nhất ở các huyện: Lâm Bình, Chiêm Hóa, Sơn Dương. Với độ che phủ rừng tới 65%, việc phát triển trồng cây dược liệu dưới tán rừng những năm gần đây của tỉnh còn đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân địa phương.

Tuy nhiên, thực tế có thể thấy phần lớn cây dược liệu chưa được sơ chế, chế biến hoạt chất mà chủ yếu bán nguyên liệu thô, cho nên giá trị mang lại chưa tương xứng. Hiện nay tại nhiều địa phương, việc thu hái, khai thác không đi đôi với bảo tồn. Phần lớn việc trồng, chế biến dược liệu với quy mô nhỏ lẻ, ở cấp hộ gia đình. Các hộ trồng chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, thiếu vắng sự đầu tư của doanh nghiệp dược theo chuỗi sản xuất, tiêu thụ dược liệu khiến cho hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân, hộ trồng dược liệu chưa cao.

Ngoài ra, giải quyết bài toán đầu ra cho dược liệu bằng cách phát triển mô hình: Gắn kết y học cổ truyền và dược liệu; dùng dược liệu tạo ra sản phẩm chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, gắn với du lịch xanh... chưa thực sự được phát huy hiệu quả. Do đó, để phát huy thế mạnh cần có cơ chế, chính sách khai thác, phát triển phù hợp. Các địa phương cần sớm xây dựng quy hoạch vùng dược liệu, biến nguồn tài nguyên này thành lợi thế chủ lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mối liên kết bốn nhà thật chặt chẽ, nhất là việc thu hút sự tham gia của doanh nghiệp, nhà khoa học vào chế biến dược liệu thô thành sản phẩm thuốc. Phát triển rộng rãi và mạnh hơn nữa chuỗi giá trị dược liệu trên hình thức liên kết bốn nhà, trong đó ưu tiên liên kết nhiều thành phần trong chuỗi. 

Có thể khẳng định việc trồng cây dược liệu là một hướng đi đúng, nhất là đối với các địa phương vùng núi cao. Việc phát triển cây dược liệu không chỉ tạo việc làm, giúp bà con các dân tộc nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo tồn các loại cây dược liệu quý, bảo vệ đa dạng sinh học của rừng tự nhiên tại Tuyên Quang.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục