Nhưng đi được hơn nửa đời người, người này lại thấy cuộc sống của mình quá nhiều áp lực bởi thứ đang theo đuổi. Và mong muốn có một tâm hồn thanh thản. Bởi những mong cầu, tham muốn đã khiến phải suốt đời mưu tính, tâm hồn không có được sự bình yên.
Trên thực tế, con người thường tìm đến ngôi chùa này, đình miếu kia, tìm cho mình sự an yên để vượt qua những trắc trở của cuộc sống. Người ý nhị thường để vào hòm công đức chút lòng thành nhằm đóng góp một phần tài chính và hỗ trợ tiền nhang đèn cho các di tích. Nhưng nhiều người đi lễ như một kiểu hối lộ thánh thần rất phản cảm.
Mặc cho dư luận nhiều lần lên án nhưng tình trạng lạm dụng đốt vàng mã và những hình thức cầu tài lộc mê muội trong các lễ hội vẫn ngày càng trầm trọng hơn. Nhiều người đi lễ chùa muốn “đưa tiền tận tay” cho Phật, đặt tiền lên Tam Bảo và rải tiền lẻ khắp chốn linh thiêng. Hành vi ấy diễn ra công khai, khiến đền chùa vốn là nơi thanh tịnh lại biến thành chốn u mê, mưu lợi cầu danh.
Lễ hội đầu xuân là biểu hiện tiêu biểu, chất chứa mong ước của con người thông qua việc thực hành nghi lễ truyền thống, từ đó tạo niềm tin thiêng liêng để ai cũng vững tin, có thêm quyết tâm hơn trong hành động và cuộc sống. Thánh thần không ban phước giáng họa cho ai, và cũng không dựa vào những lời cầu xin bắt nguồn từ mong cầu ham muốn của con người mà can thiệp vào số phận của bất cứ cá nhân nào.
Người ta có thể đặt niềm tin vào những yếu tố tâm linh để tạo thêm động lực trong cuộc sống, chứ không nên dựa dẫm, ỷ lại với mong muốn truy cầu một thế lực siêu nhiên thần bí có quyền năng bảo hộ, giúp cầu được ước thấy. Những ham muốn u mê, việc làm phản cảm chốn linh thiêng lại gieo thêm nghiệp quả.
Chúng ta đang sống trong một mùa xuân mới tràn đầy sức sống và hy vọng. Đi lễ đầu năm với cái tâm hướng thiện, tinh thần tỉnh thức chính là một trong những động lực quan trọng cho những thành công trong cả một năm. Tu dưỡng bản thân, gieo tạo nhân lành, sống có đạo đức thì tự khắc tâm luôn an ổn, vạn sự hạnh thông.
Gửi phản hồi
In bài viết