“Tuyên Quang có một làng đào…”
Những vườn đào Nông Tiến (TP Tuyên Quang) cứ nối tiếp nhau trải dài, men theo con đường bê tông uốn lượn khiến mỗi chúng tôi cảm thấy lâng lâng trong lòng, bởi Tết đã đến thật gần.
Cây đào bén rễ đất Nông Tiến đã được hơn 40 năm. Từ sau những năm 80 của thế kỷ trước, những cây đào đầu tiên được người dân xã Nông Tiến mang về trồng với mong ước gieo mầm cho những mùa xuân mới. Thời kỳ đầu chỉ có vài sào, đến nay lên đến gần 10 ha, biến nơi đây thành vùng chuyên canh trồng đào cảnh lớn nhất tỉnh. Người dân Nông Tiến rất tự hào khi nói về “đặc sản” của quê mình: “Tuyên Quang có một làng đào/Xuân về, Tết đến mời vào ngắm hoa”.
Bà con có đức tính cần cù, chịu khó học hỏi, qua thời gian nhiều người khéo léo kỹ thuật thành thục như “nghệ nhân” thực thụ. Họ không ngừng sáng tạo để tạo ra dáng, thế mới đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng, như: Đào cổ thụ, đào thế, đào bon sai, đào tự do, đào cành. Ông Phạm Thanh Sơn, tổ 8 chia sẻ, cây đào phải tạo được thế dáng bắt mắt và ý nghĩa, có cành rơi, cành bổng, dáng long, dáng làng, dáng trực, thác đổ… mới đủ sức cuốn hút người chơi. Muốn tạo được dáng thế đẹp thì bên cạnh hiểu biết về kỹ thuật thì người làm vườn phải thực sự kiên trì, cẩn thận và khéo léo mới có được dáng đào như ý.
Điều đặc biệt không chỉ cung cấp đào tại thị trường trong tỉnh mà những năm gần đây nhiều khách “sành” đào thế ở Hà Nội năm nào cũng lên để tìm mua. Ông Trần Văn Trí, Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ 9 - tổ trồng nhiều đào nhất phường Nông Tiến ví von, “chăm đào cũng như chăm con, đào cũng có tính nết như người, phải biết lúc nào nó khát, nó đói, nó có bệnh và cũng phải có những bí quyết động viên nó nở hoa đúng dịp Tết Nguyên đán này”. Những sản phẩm của làng hoa Nông Tiến có giá từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục triệu đồng, góp phần mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho những hộ dân nơi đây.
Từ trồng đào nhiều hộ đã khấm khá, xây được nhà to, mua được xe ô tô đẹp. Được biết, doanh thu bình quân từ trồng đào đạt khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Đào được trồng nhiều ở các tổ 8, 9, 10, thu nhập mỗi hộ từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng/năm.
Hoa đào điểm tô núi rừng
Mùa xuân ở xứ Tuyên hòa vào sắc trắng của hoa mận, sắc hồng của hoa đào, sắc đỏ của hoa gạo, sắc vàng của hoa cải… nở rộ khắp thung lũng, triền đồi. Hoa đào như một gam màu tươi sáng nổi bật giữa nền núi rừng xanh tươi ấy.
Tác phẩm Thiếu nữ bên hoa đào của Lê Đức.
Cây đào đã gắn bó bao đời nay với bà con các dân tộc Tày, Dao, Mông… nơi đây. Với người Mông thì họ quan niệm cây đào là người bạn thân thiết, là loài cây trừ tà ma, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt của người dân vùng sơn cước. Và nữa, hoa đào biểu trưng cho khát vọng sinh tồn của dân tộc Mông. Anh Sùng A Páo, thôn Ngòi Nghìn, xã Đạo Viện (Yên Sơn) chia sẻ, khi dựng nhà mới, ông bà thường khuyên con cháu nên trồng một cây đào trước sân để mang đến sự may mắn. Chính vì thế, cây đào và hoa đào là hồn vía trong ngôi nhà của người Mông. Nếu đến vùng người Mông cư trú mà không thấy hoa đào ngày xuân thì cảnh quan đây thật tẻ nhạt, thiếu vắng điều gì đó.
Đã từng có cả một dòng họ người Mông lấy họ theo cây đào là họ Đào, họ Thào vì người ta cho rằng, dòng họ này sẽ được cây đào che chở bảo vệ và mang đến nhiều may mắn. Chị Đào Thị Sái, thôn Ngòi Sen, xã Yên Lâm (Hàm Yên) chia sẻ, trước sân nhà chị có 2 gốc đào phai. Ở đây nhiều nhà trồng sẵn một cây đào để Tết đến xuân về còn được ngắm.
Trước căn nhà sàn của người Tày, người Nùng ở Chiêm Hóa, Lâm Bình, Na Hang thì khung cảnh cây hoa đào nở rộ trước cổng nhà, lối vào các con ngõ nhỏ của bản làng đã trở nên quen thuộc. Cụ Hà Thị Xuyến, thôn Đồng Hương, xã Phúc Thịnh (Chiêm Hóa) năm nay bước sang tuổi 92. Cụ nói rằng, với người Tày vào dịp Tết đến, xuân về, đến nhà nào hoa đào nở đẹp được khách đến khen ngợi, trầm trồ xuýt xoa thì gia chủ vui lắm. Hứa hẹn năm đó mọi điều may mắn, nhiều tin vui sẽ đến.
Thiếu nữ bên chợ hoa đào trên đường phố thành Tuyên.
Không chỉ xung quanh các ngôi nhà, trên con đường dẫn lối vào bản, trên những cung đường, những triền đồi, thung sâu ta dễ dàng được tận hưởng không gian bình yên với sắc đào trong nắng xuân. Để đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, năm 2021, huyện Lâm Bình đã trồng 1.500 gốc đào rừng, mận rừng tại đèo Khau Lắc. Đây hứa hẹn tương lai sẽ là điểm “check in” cho du khách khi đến với mảnh đất này.
Xuân về, giữa vẻ đẹp tĩnh lặng của miền sơn cước, những cánh hoa đào tô điểm cho bản làng khiến vạn vật dường như bừng tỉnh giấc sau giấc ngủ đông. Cây đào không chỉ là nét đẹp văn hóa ngày Tết mà còn góp phần tô điểm cho núi rừng xứ Tuyên thêm sức sống. Quả thực, vẻ đẹp nguyên sơ và lãng mạn của sắc đào trong nắng xuân đã làm nao lòng du khách mỗi khi đặt chân đến nơi đây.
Gửi phản hồi
In bài viết