Cần biết “ra đề”

- Dịp nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tôi được người quen ở nước ngoài tạo giúp một tài khoản dùng ChatGPT. Say sưa trải nghiệm, tôi nhận thấy khi mình chat (ra đề bài) càng hay, sẽ được câu trả lời càng tốt. Khi tôi ra đề: “Tuyên Quang có những điểm đến nổi tiếng nào?”, câu trả lời nhận được là “Tuyên Quang có rất nhiều điểm đến nổi tiếng cho du khách tham quan, bao gồm Chùa Pháp Vân, Dinh Đại Việt, rừng nguyên sinh Nậm Sỏ…

Ngoài ra, Tuyên Quang còn có nhiều điểm đến khác như Hồ Tuyền Lâm, Vịnh Hạ Long, và nhiều địa điểm du lịch tự nhiên và văn hóa độc đáo khác” (!). Dù thấy sai bét, nhưng khi tôi hỏi về các ý tưởng sáng tạo cho cơ quan báo chí, câu trả lời lại khá hoàn hảo.

Sau hơn 2 tháng ra đời, ứng dụng ChatGPT đã đạt tới hơn 100 triệu người dùng - là kỷ lục người dùng nhanh nhất lịch sử ứng dụng phần mềm. Số người quan tâm và thảo luận về nó cũng rất đông đảo. Hầu hết ngạc nhiên vì sự thông minh vượt bậc của “siêu AI” ChatGPT. Số khác băn khoăn về tương lai nghề nghiệp sẽ bị ảnh hưởng bởi AI, hoặc lo về sự lạm dụng ChatGPT trong học tập và nghiên cứu. Tuy thời gian trả lời rất nhanh, nhiều nội dung khiến người chat khá hài lòng; nhưng ChatGPT cũng đưa ra nhiều thông tin chưa chính xác, đặc biệt những vấn đề xã hội ở Việt Nam. 

ChatGPT đang tạo nên một cuộc chạy đua của các ông lớn về AI. Khiến con người có được những trợ lý làm việc bất kể giờ giấc; giúp tiết kiệm thời gian trong soạn nội dung marketing, dựng các bản thiết kế, viết giải trình, tóm tắt biên bản cuộc họp, lập báo cáo, dựng slide trình bày... Không chỉ có ChatGPT của Open AI, Google đang chuẩn bị ra mắt chatbot có tên Bard, hiện đang bắt đầu cho một nhóm người dùng thử nghiệm trước khi phát hành rộng rãi thời gian tới.

Tổng thống Israel Isaac Herzog đã trở thành nhà lãnh đạo thế giới đầu tiên nhờ siêu AI ChatGPT hỗ trợ viết bài phát biểu của mình. Theo Jerusalem Post, trước gần 20.000 khán giả dự hội thảo về an ninh mạng ngày đầu tháng 2 vừa qua, ông tiết lộ phần mở đầu bài phát biểu của mình do chính ChatGPT viết. Nhưng ông cũng cảnh báo về việc không nên lạm dụng AI khi “trích dẫn đầy cảm hứng” của ChatGPT trong phần kết bài phát biểu: “Chúng ta đừng quên nhân tính chính là thứ khiến chúng ta thực sự trở nên đặc biệt trong thế giới này. Không phải máy móc sẽ định hình vận mệnh của chúng ta, mà là trái tim, khối óc và quyết tâm của chúng ta để tạo ra ngày mai tươi sáng hơn cho toàn nhân loại”.

Chính Sam Altman, người đồng sáng lập và CEO OpenAI - công ty đang phát triển ChatGPT và những AI đột phá khác mới đây cũng đã viết trên Twitter rằng, kết quả đầu ra của chương trình thực tế chứa nhiều lỗi. Nó biết rất nhiều, nhưng điều nguy hiểm là nó tự tin và sai một phần đáng kể.

Do vậy, dù hào hứng với Chat GPT đến mấy, chúng ta cũng nên ứng xử một cách nghiêm túc trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo để làm gì, dùng như thế nào trong công việc hàng ngày. Để đừng mất thời gian với những câu chuyện tầm phào khi chat với AI hoặc quá tin vào những thông tin nhận được; đồng thời phải khẩn trương thay đổi cách suy nghĩ và làm việc của mình. Bởi trí tuệ nhân tạo đang đem đến quá nhiều cơ hội để thay thế các nhân sự đang làm việc trong tình trạng vật vờ “có cũng như không”.

Thái An

Tin cùng chuyên mục