Trong đó, có việc TNXP được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách đối với NLĐ theo quy định của pháp luật về lao động, pháp luật về BHXH, BHYT; được cấp trang phục TNXP, cấp thẻ đội viên TNXP; được tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ, tham gia các hoạt động văn hóa thể thao theo quy định của pháp luật; được ưu tiên vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định hiện hành…
Trường hợp có hành động dũng cảm bị chết hoặc bị thương thuộc một trong các trường hợp theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng thì được tổ chức TNXP đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, công nhận là liệt sĩ hoặc quyết định được hưởng chính sách như thương binh theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng. Ngoài ra còn nhiều chính sách cụ thể khác…
Tuy nhiên, theo một thống kê tại chương trình giao lưu trực tuyến kỷ niệm 55 năm Ngày Bác Hồ đến thăm và nói chuyện tại Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước diễn ra sáng 12/1/2022 tại Hà Nội; cả nước vẫn còn hơn 51 nghìn TNXP và hơn 4,2 nghìn TNXP bị thương chưa được hưởng chế độ, chính sách. Đồng thời, có 382 TNXP hy sinh chưa được công nhận liệt sĩ; hơn 24,7 nghìn TNXP chưa được hưởng bảo hiểm y tế; hơn 9,6 nghìn TNXP và con đẻ bị nhiễm chất độc hóa học chưa được giải quyết chế độ và gần 1 nghìn TNXP cô đơn, không nơi nương tựa chưa được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Thực tế cũng cho thấy, nhiều cựu TNXP từng có mặt ở nơi khó khăn, gian khổ nhất, không ngại hy sinh, thể hiện ý chí “dời non, lấp bể”, đóng góp vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng Tổ quốc; nay đã già yếu, thời gian không còn nhiều.
Chính vì vậy, chăm lo đời sống của TNXP, khẩn trương rà soát dứt điểm chế độ chính sách của cựu TNXP chính là việc cần được quan tâm thực hiện sớm chừng nào hay chừng đó. Đó vừa là tình cảm, vừa là trách nhiệm của hậu thế, theo đúng đạo lý “ăn quả nhớ người trồng cây”.
Gửi phản hồi
In bài viết