Đáng chú ý, sự chênh lệch giới tính khi sinh diễn ra ngay từ đứa con đầu tiên, do các cặp vợ chồng lựa chọn giới tính khi sinh ngay ở lần sinh đầu.
Mức độ mất cân bằng giới tính khi sinh cao hơn ở những cặp vợ chồng có trình độ học vấn cao, tình hình kinh tế khá giả.
Nguyên nhân của tình trạng này có nhiều, nhưng gốc rễ vẫn là định kiến giới, duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, gây ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí, vai trò của phụ nữ và nam giới trong gia đình, cộng đồng và xã hội.
Từ định kiến này, các cặp vợ chồng đều dùng kỹ thuật mới để lựa chọn giới tính, bất chấp việc đã có quy định cấm.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân từ hệ thống an sinh xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển, nhà nhà đều trông mong vào sự phụng dưỡng của con cái - chủ yếu là con trai.
Hệ lụy mất cân bằng giới tính khi sinh sẽ ảnh hưởng đến cá nhân, gia đình, cộng đồng, xã hội và các chuẩn mực xã hội. Chuyên gia về giới và nhân quyền của Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc cho biết, nếu không có biện pháp khắc phục, khoảng 30 năm tới, Việt Nam sẽ đối mặt tình trạng 2,3 - 4,3 triệu đàn ông phải sống độc thân vì thiếu nữ giới.
Dư thừa nam giới cũng khiến cấu trúc gia đình bị phá vỡ; người già neo đơn, không nơi nương tựa sẽ gia tăng, một số ngành, nghề vốn thích hợp với phụ nữ như giáo viên, y tá, may mặc… có nguy cơ thiếu nhân lực.
Để chấm dứt tình trạng này, cần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi trong cộng đồng, đặc biệt là nam giới. Bên cạnh đó, cần xây dựng hệ thống luật pháp, chính sách, triển khai các chương trình về bình đẳng giới, xây dựng và thực hiện chính sách về bảo trợ xã hội cho người cao tuổi…
Hiện còn rất nhiều người cao tuổi có nhu cầu được chăm sóc trong khi điều kiện kinh tế không cho phép đến các trung tâm dưỡng lão tư nhân. Mong sao sớm có các trung tâm nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi công lập xuất hiện ở tất cả các địa phương; giống như hệ thống các trường học mầm non công lập hiện nay.
Làm được như vậy, cũng sẽ giảm được áp lực muốn có con trai để chăm sóc cha mẹ khi về già…
Gửi phản hồi
In bài viết