Câu chuyện cơm áo, gạo tiền là vấn đề thường trực hàng ngày trong mỗi gia đình. Có những gia đình cả hai vợ chồng đều là công nhân, việc làm thì lúc có, lúc không, trong khi vẫn phải duy trì chuyện học hành của con cái và bảo đảm cuộc sống ở mức tối thiểu nhất.
Mới đây Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã đồng thuận thông qua phương án tăng lương tối thiểu 6% từ ngày 1/7/2022 để báo cáo Thủ tướng xem xét quyết định. Vậy mà việc tăng lương tối thiểu cho người lao động cũng đã gây ra hai luồng ý kiến ngược chiều nhau. Các doanh nghiệp thì chưa muốn tăng lương tối thiểu cho người lao động ngay mà lùi thời gian đến tháng 1/2023, còn tổ chức công đoàn thì kiên quyết bảo vệ người lao động với đề nghị cần tăng ngay từ ngày 1/7 năm nay.
Dịch Covid-19 đã làm cho nền kinh tế bị giảm sút. Các doanh nghiệp không tạo được việc làm cho người lao động, hàng hóa không xuất bán được ra thị trường, doanh thu chỉ đủ để cầm cự. Người lao động không có việc làm thường xuyên, thu nhập giảm sút nghiêm trọng, gây ra nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hiện nay, dịch Covid-19 đã được kiềm chế, nhiều doanh nghiệp đã ký kết được các hợp đồng sản xuất kinh doanh. Tăng mức lương tối thiểu cho người lao động là việc làm cần thiết để người lao động sớm ổn định cuộc sống.
Người lao động chính là nhân tố quan trọng quyết định sự sống còn của các doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn tồn tại cần phải có lao động. Tạo cuộc sống ổn định để người lao động yên tâm làm việc cũng chính là tăng nguồn thu nhập và lợi nhuận cho doanh nghiệp. Vì vậy, doanh nghiệp cần có sự sẻ chia, đồng hành với người lao động, lấy người lao động làm gốc để doanh nghiệp cũng có lợi và người lao động cũng được hưởng lợi.
Gửi phản hồi
In bài viết