Tại nước ta, Nghị định 98/2020/NĐ-CP nêu rõ, hành vi bán thuốc lá cho người chưa đủ 18 tuổi có thể bị phạt tới 4 triệu đồng. Luật Phòng chống tác hại thuốc lá cũng quy định không cho phép người chưa đủ 18 tuổi mua, bán thuốc lá. Còn Nghị định 117/2020 quy định các vi phạm về phòng, chống tác hại của thuốc lá cũng nêu rõ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với người từ 16 đến dưới 18 tuổi có hành vi sử dụng thuốc lá.
Nhưng trong thực tế, các cá nhân, tổ chức buôn lậu phớt lờ quy định, cứ có người mua là bán, không cần quan tâm bao nhiêu tuổi. TLĐT và tất cả các loại thuốc lá thế hệ mới đều đang rất dễ mua, ngày càng phổ biến với chủng loại phong phú.
Thậm chí, đang có tình trạng các tay buôn lậu sẵn sàng dụ dỗ thanh thiếu niên, học sinh thử và sử dụng sản phẩm.
Các chuyên gia đã cảnh báo, nếu không sớm có biện pháp quản lý kịp thời, tỉ lệ người trẻ dùng TLĐT sẽ còn tăng lên. Trong khi đó TLĐT lậu đã trở thành vỏ bọc cho các loại ma túy thế hệ mới núp bóng tấn công người dùng, đặc biệt là thanh thiếu niên.
Do vậy, rất cần có thêm các chế tài nghiêm ngặt đối với nhà bán lẻ, nâng cao nhận thức cho giới trẻ về tác hại của thuốc lá nói chung và quản lý chặt, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu TLĐT.
Được biết, các cơ quan chức năng đang triển khai các nội dung liên quan, nhằm sớm hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị định liên quan thuốc lá thế hệ mới để trình Chính phủ xem xét ban hành. Nhiều chuyên gia cũng đã đề nghị cần cấm thuốc lá điện tử càng sớm càng tốt.
Chính vì vậy, rất cần nghiêm với cả hai: cả người bán lẫn người mua; đồng thời có biện pháp xử lý vi phạm với cả hai đối tượng này. Các nhà bán lẻ và sản xuất TLĐT cần thể hiện trách nhiệm và đạo đức kinh doanh, tiếp thị sản phẩm. Cơ quan chức năng kiểm tra và giám sát việc bán TLĐT cho khách hàng. Từ đó truy cứu trách nhiệm nếu phát hiện một trẻ vị thành niên đang hút TLĐT.
Gửi phản hồi
In bài viết