Sau khi Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH Trung ương Đảng khóa XII về công tác Dân số trong tình hình mới, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo toàn diện về công tác dân số. Các cấp, các ngành đã vào cuộc, hành động với những giải pháp khoa học, phù hợp với thực tiễn, do đó chất lượng dân số của tỉnh đã được nâng lên. Theo đó, đã triển khai hiệu quả Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; thành lập Câu lạc bộ Tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân, tư vấn khám sức khỏe cho vị thành niên và thanh niên tại các huyện, thành phố. Đồng thời, thực hiện đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền về hệ lụy của việc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, lựa chọn giới tính trước khi sinh... đã làm chuyển biến nhận thức và hành động của người dân về góp phần nâng cao chất lượng dân số.
Chất lượng dinh dưỡng trong từng bữa ăn của người dân đã được cải thiện, đặc biệt là khẩu phần của trẻ nhỏ bắt đầu từ mẫu giáo được đặc biệt quan tâm. Còn nhớ, cách đây khoảng 20 năm, điều kiện cơ sở vật chất của tỉnh còn nhiều khó khăn nhưng bằng tình thương yêu con trẻ và hơn hết là khát vọng vươn tầm tầm vóc con người Việt Nam, tỉnh đã tổ chức các mô hình gánh cơm nuôi trẻ ở thôn, bản. Đến nay, cơ sở vật chất các trường lớp được đầu tư xây dựng, bữa ăn bán trú cho học sinh được tổ chức với thực đơn bữa ăn giàu chất dinh dưỡng đã giúp trẻ phát triển toàn diện cả về chiều cao, cân nặng. Các thiết chế văn hóa, thể thao được tỉnh quan tâm ngay từ thôn bản với việc xây dựng nhà văn hóa gắn với sân thể thao, góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, nhất là thế hệ trẻ. Nhờ đó, chiều cao của người Tuyên Quang cũng như cả nước được tăng lên, từ năm 1993 đến nay tăng thêm 6,6 cm, đạt 168,1 cm ở nam (2020) và 156,2 cm ở nữ.
Tuy nhiên, để tiếp tục nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, chúng ta cần phải giải quyết rất nhiều vấn đề như tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm chưa được kiểm soát; người dân còn lạm dụng rượu bia, hút thuốc lá, thuốc lào, sự xâm nhập của thuốc lá điện tử; ô nhiễm môi trường do sự phát triển mất cân bằng... đã ảnh hưởng nặng nề đến quá trình nâng cao chất lượng dân số. Do đó, dẫu tuổi thọ trung bình của các nước tăng lên 73,7 vào năm 2023 nhưng thời gian sống khỏe tuổi già không nhiều. Số người mắc các bệnh nan y, nhất là ung thư ở nước ta đáng báo động, thuộc một trong những nước dẫn đầu thế giới.
“Đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững” cần giải quyết triệt để các vấn đề nêu trên để dân số thực sự là nguồn lực, “kho báu” phát triển bền vững quê hương, đất nước.
Gửi phản hồi
In bài viết