Vấn đề nâng cao chất lượng dân số vẫn còn nhiều thách thức. Cụ thể, tuổi thọ bình quân của người dân đã khá cao nhưng số năm trung bình sống khỏe mạnh lại thấp. Vấn nạn tảo hôn vẫn diễn ra, nhất là ở các địa bàn miền núi, vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, khiến chất lượng dân số bị ảnh hưởng.
Cùng với những thách thức nêu trên là tình trạng mức sinh giữa các vùng miền đang có sự chênh lệch; mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh cũng đang ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến chất lượng dân số. Trong khi đó, nhận thức của người dân về tiếp cận sớm với các dịch vụ tư vấn, khám sức khỏe tiền hôn nhân; tầm soát, chẩn đoán, điều trị sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh còn chưa cao.
Tại tỉnh ta, công tác tuyên truyền, giáo dục, nhận thức về DS - KHHGĐ của các cấp, các ngành và toàn dân đã có nhiều chuyển biến. Tỉnh đang thực hiện nhiều chương trình, hoạt động nhằm nâng cao chất lượng dân số, như: Kế hoạch thực hiện Chiến lược dân số đến năm 2030; Chương trình mở rộng, tầm soát, chẩn đoán, điều trị các bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030; Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030; cùng nhiều chương trình, đề án có lồng ghép mục tiêu nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, tỉnh đang thực hiện nội dung “Nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” thuộc Dự án 7 Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh đó, nhằm nâng cao chất lượng dân số, các hoạt động đổi mới, đa dạng hình thức, phương pháp truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số tiếp tục được tỉnh đặc biệt quan tâm. Trong đó chú trọng tuyên truyền các nội dung về sức khỏe sinh sản vị thành niên; tư vấn, khám sức khỏe trước hôn nhân; sàng lọc trước sinh, sơ sinh; quan tâm chăm sóc sức khỏe người cao tuổi... nhằm đạt được các mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Gửi phản hồi
In bài viết