Cánh đồng nhờ thế mà ăm ắp nước, đồng lúa tốt tươi, nhà nhà có nguồn nước suối trong mát để dùng trong sinh hoạt. Nhiều người còn cho rằng, phụ nữ vùng cao nhờ được tắm mát trong nguồn nước tinh khiết ấy mà da cô nào cũng trắng nõn nà...
Lợi dụng sức nước, nhiều nơi còn làm những chiếc cối giã gạo nước đặt ngoài đồng, gần suối, nơi có dòng nước chảy từ cao xuống thấp. Cối giã gạo này cả ngày cả đêm giã liên tục, với nhịp điệu thưa nhẹ, mỗi ngày có thể đem lại một cối gạo bằng một rá nhỏ, đủ cho gia đình ăn. Để nắng mưa không ảnh hưởng đến gạo người ta thường làm thêm căn lều nhỏ che cối ngoài trời.
Có thể thấy, bên dòng suối quanh năm róc rách chảy, những chiếc cọn nước, chiếc cối giã gạo cần mẫn mang dòng nước tưới mát cho biết bao cánh đồng, nương lúa đã trở thành hình ảnh vô cùng thân thuộc của bản làng, thành nét đặc trưng của đồng bào vùng cao. Nhưng trước nhịp sống hiện đại, những chiếc cọn nước hay cối giã gạo bên ven suối ngày càng ít đi. Nguyên nhân có nhiều, trong đó có lý do là nhiều con suối nguồn đã cạn khô. Một số thì nguồn nước không trong lành, bị ô nhiễm bởi tác động của con người. Nhiều nơi chỉ còn nhớ đến những vật dụng thân thuộc ấy trong hoài niệm.
Ngày càng nhiều những dòng suối bị ô nhiễm hay cạn kiệt là thực tế đáng buồn hiện nay. Chung tay thực hiện các giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm nguồn nước, khắc phục tình trạng suối cạn là yêu cầu vô cùng bức thiết hiện nay. Bởi suối nguồn không chỉ có vai trò điều hòa khí hậu, cung cấp nguồn nước sạch cho đời sống và sản xuất mà còn lưu giữ cả một bề dày văn hóa từ ngàn xưa. Vì thế, giữ cho suối nguồn chảy mãi chính là giữ mạch nguồn văn hóa của đồng bào vùng cao.
Gửi phản hồi
In bài viết