Nhìn lại các phong trào thi đua đã qua thì thấy, vẫn còn tình trạng thi đua chưa đồng đều, rộng khắp và liên tục. Nhiều nơi còn thi đua hình thức, chạy theo thành tích, chưa tạo được động lực và sự tham gia của đông đảo cán bộ công nhân viên, người lao động.
Tại không ít cơ quan, địa phương, đơn vị còn rập khuôn, máy móc nên nội dung, chỉ tiêu thi đua chung chung, áp đặt hoặc chủ yếu sao chép của trên mà chưa sát với đặc điểm, nhiệm vụ đơn vị. Lại có tình trạng cùng thời điểm diễn ra nhiều cuộc thi đua, phong trào này chưa kết thúc đã có phong trào khác, dẫn đến có lúc bị bỏ quên không tổng kết phong trào, dẫn đến người thi đua chán nản.
Đáng buồn hơn, không ít lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa quan tâm đúng mức đến công tác thi đua nên có “phát” mà không “động”. Không ít cơ quan, đơn vị còn tình trạng “ưu tiên” khen lãnh đạo, mà chưa quan tâm khen người lao động sản xuất trực tiếp và nhân viên cấp dưới…
Công tác khen thưởng tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị còn chưa kịp thời, chính xác, chưa bảo đảm khách quan, công bằng, minh bạch, dẫn đến khen thưởng chưa đúng người, đúng việc, hoặc khen thưởng chưa tương xứng với thành tích; làm mất động lực phấn đấu vươn lên và tạo tâm lý không mặn mà thi đua.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Thi đua là một cách rất tốt, rất thiết thực để làm cho mọi người tiến bộ. Thi đua giúp cho đoàn kết chặt chẽ thêm và đoàn kết chặt chẽ để thi đua mãi”.
Thực hiện lời dạy của Người, công tác thi đua, khen thưởng cần khắc phục các hạn chế nêu trên. Mỗi cán bộ, đảng viên, người đứng đầu thật sự gương mẫu sẽ cổ vũ, động viên, dẫn dắt phong trào thi đua ở địa phương, cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, cần quan tâm công tác tổng kết phong trào thi đua, khen thưởng đúng người đúng việc, dân chủ, kịp thời, minh bạch; tránh tranh công, đổ lỗi. Từ đó mới giữ được mối đoàn kết trong tập thể và khích lệ tinh thần thi đua của mỗi cá nhân.
Gửi phản hồi
In bài viết