Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra rằng, những hành động, việc làm của mỗi người trong phong trào thi đua yêu nước không phải là những việc làm cao siêu, khác thường, mà đó chính là những công việc rất đỗi bình thường hàng ngày của mỗi người, nhưng được làm với tinh thần yêu nước, tinh thần trách nhiệm, tận tâm, tận lực, tạo nên năng suất, chất lượng và hiệu quả của hành động.
Với ý nghĩa đó, thời gian qua các phong trào thi đua yêu nước đã được triển khai rộng khắp trong các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, thành phần kinh tế, nhân dân và lực lượng vũ trang trong tỉnh. Trọng tâm là thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điển hình là phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19"; "Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí"; "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới", "Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau"…
Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, nhiệm vụ và mục tiêu đặt ra những yêu cầu cao hơn. Vì thế, phong trào thi đua yêu nước cũng cần phải có sự đổi mới hơn nữa.
Tuy vậy, sự đổi mới ấy cũng không phải đâu xa, mà trước hết cần bám sát ngay thực tiễn cuộc sống. Nhất quán đưa công tác thi đua gắn với công việc hàng ngày của mỗi người như lời Bác Hồ dạy: "Đừng tưởng lầm rằng thi đua là một công việc khác với những công việc làm hằng ngày. Thật ra, công việc hằng ngày chính là nền tảng thi đua". Ví như hiện nay, đó chính là làm sao để mỗi người tự giác chấp hành tốt những quy định tiết kiệm điện, nước, văn phòng phẩm trong quá trình công tác hoặc các gia đình bỏ rác đúng giờ, đúng nơi quy định; chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ khi tham gia giao thông… Từng việc nhỏ được chu toàn chính là “góp gió thành bão” để mỗi cơ quan, đơn vị, khu dân cư chung tay vì sự phát triển bền vững của đất nước.
Khi mỗi người đều thấm nhuần tư tưởng công việc hàng ngày chính là thi đua, từ đó sống, làm việc có trách nhiệm hơn với cộng đồng, khi ấy công tác thi đua sẽ trở thành “bệ phóng” cho sự phát triển.
Gửi phản hồi
In bài viết