Để đến trường vui

- Bạo lực học đường không mới, nhưng gần đây xảy ra liên tục trong các trường học, bộc lộ tính chất nguy hiểm và ngày càng nghiêm trọng.

Theo một số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong một năm học, toàn quốc xảy ra gần 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau ở trong và ngoài trường học (khoảng 5 vụ/ngày). Cứ khoảng trên 5.200 học sinh thì có một vụ đánh nhau; cứ hơn 11.000 học sinh thì có một em bị buộc thôi học vì đánh nhau; cứ 9 trường thì có một trường có học sinh đánh nhau. Đáng lo ngại hơn, theo thống kê của Bộ Công an mỗi tháng có hơn 1.000 thanh thiếu niên phạm tội.

Những số liệu đó thực sự trở thành hồi chuông cảnh báo cho các gia đình, nhà trường và xã hội, cần quan tâm và có biện pháp thích hợp để đẩy lùi vấn nạn này.

Có thể thấy, bạo lực học đường xảy ra ở cả học sinh nam và học sinh nữ; thậm chí xảy ra giữa học sinh với giáo viên và giáo viên với học sinh, phụ huynh với giáo viên…

Nguyên nhân BLHĐ đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học. Trong thời 4.0 hiện nay, BLHĐ có thể chỉ xuất phát từ một dòng bình luận trên mạng xã hội cũng dẫn đến mâu thuẫn và bạo lực. Nhiều em lập nhóm chửi bới, thách đố trước khi đánh nhau. Thậm chí có em còn lên mạng học cách tự sát…

Những hậu quả mà bạo lực học đường gây ra về thể xác hay tinh thần cũng đều trực tiếp ảnh hưởng đến công việc học tập cũng như tương lai của học sinh nếu không được can thiệp kịp thời. Nó khiến không khí và cuộc sống gia đình bị xáo trộn, căng thẳng, lo lắng; không khí trường học trở nên nặng nề, căng thẳng với nỗi sợ hãi, bất an luôn bao trùm; làm mất đi ý nghĩa của môi trường giáo dục lành mạnh trong sáng.

Bạo lực học đường cũng ảnh hưởng đến những nét văn hóa truyền thống, những chuẩn mực đạo đức quý giá, khiến trò ngang nhiên cãi thầy, con cái cãi lại bố mẹ; làm mất trật tự xã hội, làm suy đồi đạo đức và sai lệch hành vi…

Do đó, việc tuyên truyền, ngăn chặn bạo lực học đường là hết sức cần thiết. Dư luận đang cho rằng, bạo lực học đường đang nặng hậu quả mà nhẹ giải pháp.

Khắc phục tình trạng này, cần trách nhiệm chung của cả gia đình, nhà trường và xã hội - ba yếu tố quan trọng đã được quy định rõ trong Luật Giáo dục.

Trong đó, ngành Giáo dục cần điều chỉnh số tiết học văn hóa và học đạo đức cho hài hòa hơn. Mạng xã hội đang là một trong những tác nhân gây nên BLHĐ, thì cũng nên dùng chính mạng xã hội để phòng chống BLHĐ. Các thầy cô giáo, lãnh đạo nhà trường, phụ huynh, tổ chức Đoàn, Đội… cần tạo kênh để lắng nghe học sinh; giúp các em luôn thấy yên tâm, tự tin khi đến trường hay ở nhà, trong giao tiếp với bè bạn và mọi người.

Sự phối hợp giữa gia đình, nhà trường, xã hội thông suốt, chặt chẽ, bền vững sẽ góp phần ngăn ngừa bạo lực học đường, để mỗi ngày đến trường của trẻ đều là một ngày vui.

Thái An

Tin cùng chuyên mục