Thách thức từ thương mại điện tử

- Với sự tiện lợi và nhanh chóng, đặc biệt, trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát, hình thức kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội đã và đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, thương mại điện tử càng phát triển thì các hành vi gian lận thương mại trên mạng càng phổ biến.

Đã có nhiều đường dây, ổ nhóm vi phạm quy mô lớn trên môi trường mạng bị phát hiện. Một số đối tượng buôn bán hàng giả thường sử dụng các hình ảnh hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ nhằm thu hút người tiêu dùng. Các thủ đoạn được các đối tượng sử dụng như lập nhiều tài khoản Facebook, chạy quảng cáo sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận nhắn tin riêng để trao đổi mua bán. Một số còn thuê người nổi tiếng thường xuyên chia sẻ, livestream, đăng các bài quảng cáo các sản phẩm...

Nhờ các thành tựu khoa học công nghệ, hàng hóa được nhập qua các cửa khẩu biên giới không cần chuyển về kho tại các khu đô thị lớn như trước; mà được chuyển về cất giấu ngay tại các tỉnh sát biên giới. Thậm chí, “cửa khẩu nằm ở cửa nhà mỗi người dân”, các kho hàng có thể nằm bất kể ở đâu và đi kèm với các dịch vụ hậu cần chuyển phát, thanh toán hiện đại, giúp hàng hóa được luân chuyển, vận chuyển nhanh hơn trong nội địa. Điều này khiến công tác chống gian lận thương mại, buôn lậu, đặc biệt hàng giả trên mạng càng khó khăn.

Tháng 9 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 85 sửa đổi bổ sung nghị định 52 về thương mại điện tử,  quy định về việc phát triển, ứng dụng và quản lý hoạt động thương mại điện tử. Nghị định đặt ra cách thức quản lý mới, quy định bình đẳng giữa thương mại điện tử và thương mại truyền thống. 

Theo tính toán của các chuyên gia, những năm tới là giai đoạn tập trung vào thương mại điện tử, trong đó tỷ lệ gian lận thương mại sẽ chiếm khoảng 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung.

Chính vì vậy, bên cạnh những biện pháp quản lý của Nhà nước và cơ quan chức năng, rất cần mỗi người tự tìm hiểu thông tin để trở thành người tiêu dùng thông thái khi mua bán trên mạng. Có như vậy, mới bảo vệ được quyền lợi cho chính mình, cũng là bảo đảm sự công bằng và quyền lợi cho những nhà sản xuất, kinh doanh chân chính.

Thái An

Tin cùng chuyên mục