Từ niềm đam mê cháy bỏng
Những ngày cuối năm 2021, một nhóm họa sĩ gồm 5 người, gồm 4 họa sĩ Hà Nội và họa sĩ Lương Ánh Hiện của Tuyên Quang đã cùng nhau tổ chức một triển lãm tranh mang tựa đề “Phụ nữ vẽ và yêu” tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (Hà Nội). Họ đều là đồng môn, cùng được đào tạo từ “lò” Yết Kiêu (Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam) và chung niềm đam mê vô bờ với hội họa.
Nhóm cùng lên ý tưởng về nội dung triển lãm và cùng thực hiện các tác phẩm mang chủ đề “Phụ nữ vẽ và yêu” trong cả năm 2021. Mỗi người một phong cách, một cảm nhận về tình yêu, cuộc sống, mong muốn chia sẻ câu chuyện về nội tâm của chính mình. Tranh lụa là chất liệu hội họa truyền thống của Việt Nam với độ mỏng manh, e ấp và kén người vẽ với sự tinh tế, dịu dàng. Với các họa sĩ trong Triển lãm “Phụ nữ vẽ và yêu” thì đây là thách thức mà họ muốn chinh phục. Bên cạnh việc kén chọn những tấm lụa để vẽ tranh, các họa sĩ đã cố gắng thổi hồn hơi thở đương đại vào chất liệu truyền thống, phân bố giữa các mảng hình, màu nét và khoảng trắng để các tác phẩm mang vẻ đẹp nữ tính, gợi cảm, diễn tả vẻ đẹp nội tâm của phái đẹp. 5 người phụ nữ đã gặp nhau, cùng thể hiện trên lụa nhưng mỗi người thể hiện một cách và cùng hứng khởi sáng tác trên tranh lụa.
Họa sĩ Kim Thái vẽ tình yêu qua ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, nguyên thủy. Họa sĩ Đỗ Quyên chìm đắm vào khoảng tĩnh lặng khi cầm cọ. Chị tìm thấy bình yên trong cuộc sống. Họa sĩ Mỹ Học khẽ khàng chạm vào thiên nhiên qua những cành cây, khóm hoa, góc vườn nho nhỏ. Họa sĩ Tống Ngọc hân hoan hòa mình vào thiên nhiên, hân hoan với cuộc sống. Còn họa sĩ Lương Hiện khát khao bày tỏ cá tính táo bạo thông qua việc diễn tả vẻ đẹp mềm mại của cơ thể phụ nữ.
Họa sĩ Nguyễn Khắc Trinh (Hà Nội) trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Tuyên Quang.
Trong một tuần tổ chức Triển lãm đã thu hút nhiều người đến xem. Người xem không chỉ là những người trong nghề hội họa mà còn thu hút đông đảo người yêu tranh. Theo cảm nhận của người xem, mỗi tác giả một phong cách nhưng họ đều vẽ rất đẹp, thể hiện tình yêu của họ đối với cuộc sống. Các tác phẩm hội họa đầy nữ tính, quyến rũ nhưng cũng đầy rắn rỏi, quyết liệt thể hiện đam mê, sự kiên định và ý chí sáng tạo, cái đẹp dịu dàng, bí ẩn của người phụ nữ.
Bà Nguyễn Ánh Nguyệt, nguyên Phó Giám đốc Bảo tàng Việt Nam cho biết, cái tên Triển lãm “Phụ nữ vẽ và yêu” đã thấy rất phụ nữ, rất đáng yêu. Mỗi nữ họa sĩ thể hiện tâm trạng của mình một cách khác nhau thông qua mỗi tác phẩm bằng niềm đam mê bất tận.
Lương Ánh Hiện là họa sĩ duy nhất của Tuyên Quang tham gia Triển lãm. Nói về đồng nghiệp của mình - họa sĩ Lương Ánh Hiện, các họa sĩ cùng tham gia Triển lãm tranh đều chung cảm nhận, đây là một người yêu nghề, máu lửa với nghề, là một cô gái miền núi cảm nhận cuộc sống bằng khát khao cháy bỏng.
Theo họa sĩ Lương Xuân Đoàn, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, đề tài của Triển lãm rất mạnh mẽ, đưa lại cái đẹp tích cực cho ngôn ngữ tạo hình. Mỗi tác phẩm đều hướng tới vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp bên trong của chính mình. Đó là thành công của những nữ họa sĩ Việt Nam cho thấy xu thế hồi sinh của tranh lụa Việt Nam.
Tranh “sống” trong đời thực
Họa sĩ Vương Lê Mỹ Học, công tác tại Phòng Trưng bày giáo dục, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, chị có 11 tác phẩm tham gia Triển lãm “Phụ nữ vẽ và yêu”. Trung bình mỗi năm, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam tổ chức khoảng 30 cuộc triển lãm. Ngay như hai năm vừa qua, mặc dù dịch Covid-19 nhưng cũng là khoảng thời gian để các họa sĩ nuôi dưỡng ý tưởng và sáng tác. Những ngày tổ chức triển lãm, lượng khách đến xem tuy không đông đảo như những năm trước nhưng vẫn ổn định. Không chỉ là những người trong nghề hội họa mà là điểm đến của những người yêu tranh, yêu hội họa.
Tác phẩm Phía sau thung lũng của họa sĩ Lê Cù Thuần tham gia Triển lãm Nhóm Hiện Thực.
Như cuộc Triển lãm “Phụ nữ vẽ và yêu”, các chị đã cùng nhau lên ý tưởng, cùng đề ra tiêu chí vẽ tranh trên chất liệu lụa. Mọi người trong nhóm cùng nhau chi trả chi phí thuê phòng trưng bày, quảng bá tác phẩm đến người yêu tranh.
Họa sĩ Đỗ Quyên, giảng viên Mỹ thuật một trường cao đẳng ở Hà Nội có 15 tác phẩm tham gia Triển lãm lần này. Mặc dù tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật nhưng chị mới trở lại nghề vẽ thời gian gần đây. Đã có vài bức tranh của chị được đặt mua ngay tại Triển lãm. Giá mỗi bức tranh tùy theo cảm xúc của tác giả và sự đồng điệu, yêu thích của người chơi tranh. Tranh đến được với người xem phải thông qua các hình thức quảng bá. Các họa sĩ sử dụng mạng xã hội để kết nối với nhau, tạo thành các nhóm cùng tương tác, hỗ trợ. Một số tác phẩm tranh lụa đã được người yêu tranh đặt mua, trong đó có cả người nước ngoài.
Tuyên Quang có 18 họa sĩ là hội viên Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh. Nhiều họa sĩ cũng tự tổ chức các buổi triển lãm tranh riêng, tự trang trải các khoản chi phí. Và họ cũng đã thu hút được số lượng người yêu tranh nhất định của mình. Họa sĩ Lê Cù Thuần là thành viên duy nhất của Tuyên Quang tham gia Nhóm Hiện Thực. Nhóm này ra đời năm 2014 gồm một số họa sĩ trong nước, cho tới nay nhóm đã có 4 cuộc triển lãm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Nhóm Hiện Thực tổ chức triển lãm trưng bày 37 tác phẩm tại Bảo tàng Mỹ Thuật (Hà Nội) từ ngày 27/12/2021 đến 2/1/2022.
Để bán được tranh thì người họa sĩ cần nắm được nhu cầu của công chúng. Hầu hết người yêu thích tranh thường chọn tranh đơn giản chủ yếu theo lối vẽ hiện thực, ấn tượng. Nghĩa là loại tranh mà người xem vẫn có thể hiểu được nội dung bức tranh, còn loại tranh trừu tượng, siêu thực rất kén người mua, chủ yếu là khách nước ngoài yêu thích. Điều này dẫn đến hiện tượng để bán được tranh, các họa sĩ thường vẽ theo lối mòn, đôi khi ít sáng tạo, chủ đề thường lặp đi lặp lại. Khi được hỏi, các họa sĩ vẽ theo sở thích, nhu cầu của người mua hay vẽ theo trí sáng tạo của bản thân? Và câu trả lời là, đối với các họa sĩ từng bán được nhiều tranh, họ vẫn giữ được bản sắc sáng tạo cá nhân, tìm ra được cách thức dung hòa giữa ngôn ngữ hội họa phổ thông và sự điêu luyện trong nghệ thuật.
Tác phẩm “Bên anh em kể chuyện những ngày xa nhau” của họa sĩ Dương Xuân Quyền đoạt giải C tại Triển lãm Mỹ thuật
Khu vực III (Tây Bắc - Việt Bắc) lần thứ 26 năm 2021.
Chỗ dựa và sự hợp tác
Họa sĩ Nguyễn Khắc Trinh (Hà Nội) cho biết, bên cạnh các phòng triển lãm, không gian trưng bày truyền thống, giới nghệ sĩ còn có thêm kênh giới thiệu tác phẩm mỹ thuật trên không gian mạng. Thị trường bán tranh hiện nay đều do các tác giả chủ động kết nối trên mạng Internet. Mua bán tranh trực tuyến đang là cách thức được nhiều người yêu thích nghệ thuật chọn lựa. Không chỉ cá nhân mà nhiều nhóm và cộng đồng trên mạng xã hội cũng đã được thành lập, hội tụ hàng chục nghìn thành viên gồm cả nghệ sĩ và người yêu nghệ thuật, nhà sưu tập... đưa mỹ thuật trở nên gần gũi hơn với công chúng.
Các họa sĩ phải tự tìm kiếm thị trường ở các tỉnh, thậm chí ra cả nước ngoài. Họ tự mang tranh đi bán, tự tìm cách quảng bá tác phẩm của mình đến với người yêu tranh. Họ chủ động kết nối với nhau, chia sẻ và hợp tác. “Thương hiệu” họa sĩ, trào lưu và phong cách làm nên giá trị mỗi bức tranh.
Tác phẩm Hổ Nhâm dần của họa sĩ Mai Hùng.
Thị trường tranh ở một tỉnh miền núi ở Tuyên Quang thực sự không sôi động như các tỉnh, thành phố lớn. Một số họa sĩ đã phối hợp với các họa sĩ ở các tỉnh mở triển lãm như họa sĩ Lương Ánh Hiện, Lê Cù Thuần và một số họa sĩ khác vừa làm. Trong số 18 hội viên Phân hội Mỹ thuật thì chỉ vài họa sĩ có thu nhập chính bằng nghề vẽ tranh. Các họa sĩ của tỉnh gần như không bán được tranh tại tỉnh mà thường kết hợp với các họa sĩ ở các tỉnh, thành phố lớn để quảng bá, giới thiệu về tranh của mình.
Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh tổ chức cho họa sĩ thực tế để vẽ tranh, định kỳ 2 năm một lần. Hội hỗ trợ mang tranh dự triển lãm tranh khu vực phía Bắc mỗi năm một lần. Theo họa sĩ Lê Cù Thuần, Phân hội trưởng Phân hội Mỹ thuật, Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh, nhu cầu thưởng thức các tác phẩm tranh của người dân Tuyên Quang không phải là ít. Cụ thể, trong một cuộc triển lãm giữa một số họa sĩ trong tỉnh cùng phối hợp thực hiện cách đây chục năm cũng đã thu hút rất đông người quan tâm. Anh Thuần cũng như những hội viên khác rất đau đáu có được một “sân chơi” là một địa điểm để tổ chức triển lãm tranh của các họa sĩ trong tỉnh. Qua đó, các tác phẩm của họa sĩ ngày càng được gần hơn đối với công chúng yêu nghệ thuật.
Gửi phản hồi
In bài viết