Ngày xuân nghĩ về văn hóa đọc

- Còn nhớ, vào những năm 70-80 của thế kỷ trước, khi đó đời sống của nhân dân ta còn nhiều khó khăn; số người có bằng đại học chưa nhiều, trên đại học thì càng hiếm. Lượng sách xuất bản khi đó cũng ít, giấy in rất xấu, khó đọc. Thư viện huyện nơi người viết bài này là bạn đọc cũng như rất nhiều thư viện ngày ấy, chỉ là nhà tooc xi, bàn ghế, ánh sáng, quạt mát thiếu thốn, vốn sách báo nghèo.

Tuy nhiên, trong điều kiện như thế, lượng độc giả tại các thư viện lại rất đông; đọc sách tại thư viện, mượn được những cuốn sách mới, sách hay là niềm vui, niềm tự hào của nhiều người lúc ấy. Tôi còn nhớ, nhiều cuốn sách như “Thời xa vắng”, “Đứng trước biển”, “Cù lao Chàm”, “Trăm năm cô đơn”… đã thu hút rất nhiều bạn đọc, thư viện khi đó không đủ sách phục vụ, người đọc phải chờ, nhân viên thư viện phải nhắc những người được mượn nhanh trả sách để người khác được đọc. Người đọc nhiều, nói chuyện về sách cũng nhiều. Nội dung các cuốn sách đã trở thành đề tài trao đổi sôi nổi quanh bàn trà, nơi làm việc, ai chưa được đọc những cuốn sách đó tự nhiên cảm thấy lạc lõng và phải tìm đọc cho bằng được.

Thời đó, dù đồng lương ít ỏi, nhiều người vẫn bớt ra mua sách, ngày ấy mỗi huyện, thị xã chỉ có một hiệu sách nhân dân, do nhu cầu sách cao mà hiệu sách khá đông khách, các cuốn sách văn học, sách thiếu nhi mới hết rất nhanh. Đọc sách báo đã trở thành niềm vui, là hình thức giải trí rất quý mà không phải ai cũng có được.

Còn bây giờ, đời sống kinh tế đã khá hơn nhiều, số người có bằng đại học và trên đại học cũng nhiều hơn trước. Sách, báo phong phú hơn, bìa đẹp, giấy đẹp, chữ rõ ràng, nhiều cuốn sách, tạp chí như một tác phẩm nghệ thuật. Các thư viện cũng được đầu tư khang trang hơn, có đầy đủ bàn ghế, ánh sáng, sách báo phong phú hơn rất nhiều. Nói chung, thư viện hấp dẫn hơn cả về hình thức và nội dung tài liệu. Tuy nhiên, trong điều kiện thuận lợi như vậy, rất tiếc, tình hình đọc lại sa sút. Bạn đọc của các thư viện tỉnh, huyện bây giờ chủ yếu là cán bộ hưu và các cháu học sinh, cán bộ, công chức, viên chức đặc biệt là thanh niên không nhiều. Nhu cầu đọc giảm nên các hiệu sách nhân dân cũng không còn, ở các huyện bây giờ chỉ còn các cơ sở bán sách giáo khoa; ở thành phố cũng chỉ có 1-2 cơ sở bán sách, nhưng bán sách chỉ là phụ, bán các mặt hàng văn hóa phẩm khác mới là chính.

Một số ấn phẩm báo Tuyên Quang năm 2022.

Chúng ta đều biết, văn hóa đọc sa sút sẽ dẫn đến dân trí không cao. Việc học tập trong các nhà trường chỉ có thể cung cấp cho chúng ta những kiến thức tối thiểu. Việc học của mỗi người không thể giới hạn trong sách giáo khoa. Muốn hiểu biết sâu rộng hơn, đầy đủ hơn, chúng ta phải học thêm, mà học thêm tốt nhất là tự học, mà tự học tốt nhất là qua sách, báo.

Sự đọc sa sút cũng gây ra những hậu quả về văn hóa. Sách, báo chứa đựng di sản văn hóa của dân tộc và nhân loại. Di sản văn hóa là những giá trị, tinh hoa mà con người tích lũy được trong suốt hàng ngàn năm cải tạo thiên nhiên và đấu tranh xã hội, là kết quả sáng tạo của những con người ưu tú nhất của nhân loại. Đọc sách, ngoài tiếp thu tri thức còn là biện pháp tự bồi dưỡng tình cảm, tâm hồn, thẩm mỹ. Mỗi dân tộc, mỗi cộng đồng, mỗi cá nhân phải tiếp thu những di sản quý báu đó để làm giàu vốn văn hóa của mình. Mỗi chúng ta có được như hôm nay, một phần là do tiếp nhận văn hóa của ông cha, của nhân loại, mà con đường quan trọng nhất là qua sách báo. Nếu ít đọc chúng ta không chỉ ít hiểu biết mà tình cảm sẽ trở nên nghèo nàn, đặc biệt là trong bối cảnh cơ chế thị trường hiện nay. Văn hóa đọc sa sút cũng là một hạn chế trong xây dựng đời sống văn hóa.

Đất nước đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng một nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Để thực hiện thành công nhiệm vụ này, giá trị của sách, báo phải được phát huy, việc đọc phải trở thành nề nếp, thói quen, trở thành văn hóa của mọi người.

Mai Linh

Tin cùng chuyên mục