Tránh lãng phí nguồn lực

- Câu chuyện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế đang được rất nhiều người quan tâm tại thời điểm này. Đây là chủ trương được đa phần dư luận ủng hộ, nhưng tinh gọn thế nào, tinh giản những ai lại không hề dễ, nhất là đối với các đơn vị nằm trong danh sách phải sáp nhập, kết thúc hoạt động.

Chúng ta đều hiểu mục tiêu của công cuộc sắp xếp, tinh gọn bộ máy lần này là xây dựng một hệ thống chính trị gọn nhẹ, minh bạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tránh tình trạng chồng chéo chức năng, lãng phí nguồn lực. Tuy nhiên, sự thay đổi đồng nghĩa với việc phá bỏ những lối mòn, đòi hỏi sự thích ứng với môi trường làm việc mới, áp lực công việc lớn hơn và yêu cầu về năng lực cao hơn.

Thực tế cho thấy, tâm lý e ngại thay đổi, tư duy “an phận”, sợ khó, né tránh trách nhiệm, thiếu tinh thần đổi mới, sáng tạo vẫn còn là một hiện tượng phổ biến, đặc biệt trong các cơ quan bộ máy vốn có tính ổn định cao. Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế theo kiểu cơ học mang lại rất nhiều hệ lụy tiêu cực, nhất là tình trạng tinh giản không đúng đối tượng. Có những bộ phận thừa biên chế, có những viên chức yếu cả về năng lực, trình độ, phẩm chất lẽ ra cần phải tinh giản thì lại không thực hiện tinh giản, trong khi đó lại tinh giản ở những bộ phận, lĩnh vực thực sự cần thiết, thậm chí đang thiếu người làm việc.

Để hạn chế tình trạng “giảm” nhưng không “tinh” trong sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó các chính sách được triển khai phải đảm bảo đãi ngộ được người tài; đánh giá đúng cán bộ để sử dụng cho đúng cán bộ, thậm chí phải đưa ra những ưu đãi mang tính khác biệt nhất định.

Nếu không có cơ chế, chính sách hợp lý, giải quyết thỏa đáng, việc tinh gọn nhân sự có thể dẫn đến tình trạng bất mãn, mất niềm tin vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thậm chí ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội, gây khó khăn lớn trong quá trình thực hiện công cuộc cải cách toàn diện bộ máy của hệ thống chính trị.

Song song với việc đẩy mạnh sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, chúng ta cũng cần hết sức lưu tâm tới việc gìn giữ nhân tài ở những cơ quan, đơn vị, địa phương thuộc diện sáp nhập, sắp xếp lại. Một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thực sự đủ trình độ, phẩm chất, năng lực ngang tầm với nhiệm vụ sẽ đáp ứng được yêu cầu của bộ máy mới sau khi sắp xếp tinh gọn.

Phương Đông

Tin cùng chuyên mục