Họ đánh giá: Cả khu di tích tầm cỡ, trung bình mỗi đoàn khách 10 người mà nhà vệ sinh công cộng chỉ có 1 phòng nam, 1 phòng nữ là quá ít. Chưa kể bên trong không sạch sẽ.
Nhà vệ sinh công cộng (NVSCC) từ lâu đã được cộng đồng thế giới quan tâm. Một tỷ phú Mỹ từng nói: “Mức độ phát triển của một quốc gia có thể đánh giá qua… Toilét công cộng của quốc gia đó”. Thành phố Bắc Kinh (Trung Quốc) nêu khẩu hiệu “xây dựng NVSCC là vấn đề tự tôn dân tộc”. Còn Thủ tướng Singapore từng tuyên bố: “Tình trạng NVSCC của đất nước là thước đo văn hóa của người dân”.
Có dịp đến một số thành phố du lịch của Hàn Quốc, Singapo, Malaysia; tôi thấy nhà vệ sinh công cộng của họ cũng là một sản phẩm văn hóa du lịch. Không chỉ tiện dụng, sạch sẽ, mà các NVSCC còn được trang trí giống như một điểm check-in với cây cảnh, hoa lá và những bức tranh tường đầy ấn tượng như một Gallery mỹ thuật.
Ở ta, nhà vệ sinh xưa nay vẫn được quen gọi là công trình phụ. Có lẽ vì thế nên ít được quan tâm. Thống kê của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam cho thấy, tại nhiều nơi trên cả nước, nhà vệ sinh công cộng chưa đạt chất lượng. Nhiều đô thị chưa có nhà vệ sinh công cộng. Một số nơi nhà vệ sinh rất bẩn, người dân chưa có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh chung…
Đây cũng là tình trạng chung tại nhiều điểm du lịch tỉnh ta. Nên nỗi niềm của các đồng nghiệp Quảng Nam của chúng tôi là hoàn toàn hợp lý.
Một xã hội văn minh, lịch sự nhưng thiếu nhà vệ sinh công cộng thì tất yếu dẫn đến việc “giải quyết đầu ra” bừa bãi, ô nhiễm môi trường. Mong rằng vấn đề này cần được quan tâm xứng đáng hơn, không chỉ phục vụ du khách trong sự kiện khai mạc Năm Du lịch 2023 sắp tới, mà còn phục vụ lâu dài, tạo nên hình ảnh Tuyên Quang văn minh để giữ chân du khách và khiến họ quay trở lại .
Gửi phản hồi
In bài viết