Họ thích những bữa cơm trong không gian toàn cây xanh, không có cảnh ồn ào, náo nhiệt như những bữa ăn trong nhà hàng, khách sạn ở thành phố. Họ được ở homestay, được ngủ trong các lều trại trong rừng. Cuộc sống như không còn những hối hả, tất bật, thay vào đó họ được sống chậm lại, hòa mình với thiên nhiên và tận hưởng cảm giác bình yên, thoải mái nhất.
Cách đây vài năm, nhiều khu du lịch nổi tiếng trong cả nước đã bị "bê tông hóa". Vùng núi cao Tam Đảo (Vĩnh Phúc) vốn là một dãy núi đá ở vùng Đông Bắc Việt Nam hấp dẫn khách du lịch với khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và đặc biệt nổi tiếng với thị trấn được xây dựng từ thời Pháp thuộc làm khu nghỉ mát. Nhưng nơi đây cũng đã được "cào bằng", xẻ núi xây khách sạn, bê tông hóa cảnh quan. Hay tại Đà Lạt, ngoài các khu du lịch như hồ Than Thở, thác Cam Ly, thung lũng Tình Yêu, các danh thắng như ga xe lửa Đà Lạt, hồ Tuyền Lâm, dinh Bảo Đại cũng đang bị xâm hại để nhường khuôn viên cho cao ốc thương mại.
Năm trước, chúng tôi có đến Nha Trang và ở tại một resort ngay bờ biển. Những người quản lý resort cho biết, chúng tôi là những vị khách cuối cùng được nghỉ tại đây. Và sau đó vài tháng, toàn bộ khu nghỉ dưỡng và các cao ốc mấy chục tầng được xây dựng ven bờ biển hàng chục năm đều bị dỡ bỏ, tạo cảnh quan ven biển phục vụ cộng đồng.
Ở một số thôn bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số có kiến trúc nhà sàn độc đáo cũng từng bị người dân phá bỏ để làm nhà bê tông cốt thép. Nhờ sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền, vận động mà người dân đã duy trì nếp nhà sản truyền thống. Cùng với khôi phục, duy trì các nét văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, những bản làng này trở thành những khu du lịch văn hóa thu hút nhiều khách du lịch.
Con người ngày càng mong muốn được gần gũi, gắn bó với thiên nhiên. Những tác động của con người về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng cũng cần phải thuận với môi trường tự nhiên và giữ gìn văn hóa, lịch sử truyền thống không chỉ cho thế hệ hôm nay.
Gửi phản hồi
In bài viết