Bữa cơm nào mẹ cũng kể về cô hàng xóm với những câu chuyện mới mẻ như cô ấy vừa mới đến phố này từ hôm qua vậy, dẫu cô và mẹ thân thiết nhau từ khi tôi còn chưa đẻ. Mẹ hỏi, con xem canh có ngon không, nhà cô ấy ít đất vườn hơn nhà mình, nhưng cô khỏe hơn mẹ nên trồng được rau, mẹ chân tay yếu quá chả rạch ra nổi vườn mà làm nữa, nhìn đất bỏ không, mẹ tiếc quá. Mấy lần cô ấy bảo làm giúp mẹ nhưng lại chần chừ, bảo thôi “nhỡ con bé nó lại nghĩ khác”, giờ ăn đáng bao nhiêu, em trồng là đủ rồi, hai nhà ăn thoải mái.
Nhà cô hàng xóm mới xây từ năm kia. Con trai cô kém tôi một tuổi, làm giám đốc một doanh nghiệp, chả biết bận bịu đến mức nào mà có khi chúng tôi chỉ gặp nhau một lần trong buổi liên hoan tổ dân phố cuối năm. Thuở bé, chúng tôi thân thiết nhau, những buổi trưa hè trốn mẹ ngủ trưa đi “trộm” xoài ở khu đồi bên kia, có hôm bị phát hiện hai đứa chạy thục mạng, ngã lăn trên sườn đồi. Ký ức còn đó mà giờ gặp cứ thấy khoảng cách chông chênh đến lạ.
Cuối tuần ấy, tôi thong dong đi xe từ công ty về nhà. Hình ảnh hai người phụ nữ ngồi trước hiên nhà chụm đầu vào nhau chuyện trò, nhặt rau khiến tôi khựng lại. Mẹ bảo, con đi thay đồ đi, rồi nghỉ ngơi, nay chú đi vắng, cô ăn cơm nhà mình đấy con. Tôi với cái rổ rau bảo rửa giúp mẹ, nhưng cô hàng xóm bảo, cứ để cô, bệnh mẹ cháu không nên mó nước nhiều. Mẹ và cô vẫn chuyện trò rôm rả, cơm nước xong xuôi, cô mát xa bàn chân cho mẹ trước khi về nhà. Mẹ bảo, chiều nào cô cũng mang rau sang cùng mẹ nhặt rau, cô bảo, hai chị em làm cho đỡ buồn, rồi cô chia đôi rổ rau, mỗi nhà một nửa. Cô giúp mẹ lấy thịt từ tủ cấp đông để ra ngoài chế biến, ướp gia vị, rồi lại mát xa đôi chân cho mẹ. Vừa làm cô vừa chuyện, cô bảo, bệnh của chị giống hệt mẹ em ngày xưa, xương khớp khổ lắm. May giờ có điều kiện chữa trị, chị còn đi lại được, chứ mẹ cô ngoài 50 tuổi đã bị liệt, phải ngồi xe lăn, bà mất khi bệnh biến chứng vào tim. Mỗi lần nhìn thấy mẹ tôi, cô như tìm lại hình bóng người mẹ không may mắn đã mất mấy chục năm rồi.
Giờ cô có tuổi rồi nhưng năm nào cô cũng về quê tận Hải Dương thắp hương cho mẹ ngày giỗ Tết. Có năm con trai cô không bận thì đánh ô tô đưa mẹ về, nhưng đa phần cô đi xe đò nhưng điều đó chả khiến cô nề hà gì cả. Mỗi lần về thăm quê lên là cô lại vội vàng sang nhà tôi hỏi chị có đau nhiều không, mấy hôm nay ai nhặt rau cho chị, cơm nước thế nào. Tôi ngồi trên chiếc ghế sô pha bên phòng khách nghe những điều đó mà chiếc điện thoại cầm ở tay rơi ra từ lúc nào. Hồi bé, tôi và con trai cô thấy kỳ lắm, cô làm tất cả những việc của đàn ông, nào là xây tường rào, láng nền nhà, làm cả chuồng nuôi gà nữa. Có lúc mệt, cô làm toáng lên với chồng con vài câu rồi lại vui vẻ, sang nhà tôi chơi với mẹ thì bảo, em làm cho anh ấy yên tâm công tác, cống hiến.
Tuổi thanh xuân cô lên đây đi làm công nhân ở công ty đường bộ, gặp chú là cán bộ đi giám sát công trình, hai người bén duyên từ đó. Nơi nhà tôi và cô ở xưa kia không có nhà xây, nhà nào cũng nghèo như nhau nên chả ai có khoảng cách gì cả. Giờ nơi này đã thành phố, nhà nào cũng xây biệt thự kín cửa cao tường, người ta không còn đến chơi với nhau như xưa nữa, chắc chỉ còn có cô và mẹ. Hôm cô đi bệnh viện cấp cứu vì lên cơn nhồi máu cơ tim, mẹ tôi nằm liệt giường, không ăn được gì cả. Tôi phải đưa mẹ lên viện thăm cô, may mà cô qua được cơn nguy kịch, nhưng tạm thời phải tránh sự xúc động nên bác sỹ khuyên không nên cho hai chị em gặp nhau.
Mẹ bảo, thôi đưa mẹ về, cô không sao rồi. Tôi đưa mẹ đi dọc các con phố, hình như lần đầu tiên tôi đưa mẹ đi chơi như thế này. Mẹ vui hẳn lên khi biết cô hàng xóm đã qua cơn bạo bệnh. Đến phố nào mẹ cũng bảo, đây, chỗ này ngày xưa là khu trồng cấy, rau muống ngoi nhiều vô kể, cô lội ra hái mang về cho mẹ. Thế mà giờ chỉ thấy nhà là nhà thôi con ạ. Mẹ kể hoài về cô, mẹ bảo, thương nhất là cô mất mẹ từ khi mới lọt lòng nhưng cô là người có diễm phúc vì ngay khi đó lại có người hàng xóm sinh con, thế là họ đón luôn cô về chăm bẵm, cho bú. Cha cô một gánh nuôi 8 người con nên việc trông nom cô con gái út ông đành để hết cho gia đình người hàng xóm. Cô lớn lên nhưng chưa một lần nghi ngờ về tình cốt nhục của mình, cho đến một lần, cô và người chị cả có chuyện gì đó va chạm nhau, chị vô tình bảo, “mẹ tao chứ mẹ mày à”. Thế là mọi chuyện vỡ ra từ đó, nhưng cô không buồn mà thấy hạnh phúc, may mắn vì mình được mẹ nuôi cưu mang, yêu thương như con đẻ. Nhà mẹ tuy nghèo nhưng có được cái gì mẹ cũng dành cho cô phần hơn. Sau này cô lên miền núi làm công nhân, mẹ cô vẫn hằng theo lên xem con gái mình ăn ở thế nào. Sau này bà già đi, bà viết thư, những lá thư cô vẫn để bên đầu giường, mỗi tối lại giở ra đọc lại, hôm sau cô sang nhà tôi chơi kể về những lá thư bà viết cho mẹ tôi nghe...
Đôi mắt tôi cay sè, tôi khẽ phanh xe lại và nhìn xa xăm, cố giấu mẹ những giọt nước mắt. Mẹ hỏi, sao vậy con, về thôi để mẹ còn cơm nước, mẹ nấu rau cô hái sẵn mấy hôm nay rồi mang lên cho cô ăn. Tim tôi như nghẹn lại, thấy mình có lỗi với mẹ, với cô, thấy cuộc sống riêng của mình thật ích kỷ. Tôi mang âu cơm và bát canh rau, thức ăn mẹ nấu lên viện cho cô, cô bảo may hôm trước cô hái rau ăn mấy ngày, không mẹ con lại phải ăn rau chợ. Cơm canh ngon quá... Tôi thấy vui vì cô đã khỏe rồi, cô khỏe là mẹ tôi khỏe thêm để tôi được sống mãi bên mẹ.
Gửi phản hồi
In bài viết