Phút xao lòng

- Đó là phút xao lòng với thơ. Ông xoa đầu tôi và bảo vậy, bởi ông làm giám đốc doanh nghiệp, cái nghề mà chỉ biết đến lợi nhuận và doanh thu thôi, thơ ca là điều phù phiếm. Mỗi lần ông làm được bài thơ, ông lại bảo, ấy là những phút xao lòng.

Khi cô đơn người ta mới làm thơ. Tôi tin như vậy. Có lần tôi thấy ông đi lang thang dưới tán trời lất phất mưa bay. Hôm sau, ông khoe tôi mới nảy ra được một bài, thơ tình chú mày ạ. Tôi nhỏ hơn ông nhiều tuổi, mỗi lần có chuyện buồn vui chúng tôi lại tìm đến nhau, có lúc ông xoa đầu tôi như đứa em nhỏ. Cái nghề viết lách của tôi nó nhọc lắm, lắm lúc tôi mơ một lần được làm giám đốc như ông, kiếm tiền nó dễ. Ông cười khùng khục, bảo “tao lại mơ như chú mày, viết xong là thảnh thơi, chả còn phải lo nghĩ gì nữa”. Hóa ra ở đời này, phàm người ta có cái này rồi thì thấy bình thường, lại mơ ước cái của người khác có. Nếu đổi được cho nhau thì có lẽ xã hội sẽ cân bằng hơn… ông mỉm cười với triết lý của tôi.

Mấy năm vừa rồi vì Covid-19 nên doanh nghiệp của ông gặp khó. Ông kinh doanh dịch vụ du lịch, tắm suối khoáng, lo cho trăm nhân viên. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm bớt lao động để tránh khủng khoảng dẫn đến phá sản, nhưng ông thì không, vẫn giữ nguyên, vậy nên ông khổ là phải. Ông bảo, đành lòng sao được khi sa thải chúng nó, mắt ông hoe đỏ. Ông lại đi, có khi đi cả tuần về Hà Nội, vào Sài Gòn nhưng không phải đi chơi mà tìm mối làm ăn, duy trì công việc ổn định cho đám nhân viên. Nhìn ông gầy xọp đi, không còn làm thơ nữa. Tôi chọc ông, đúng là “cơm áo không đùa với khách thơ”. Ông cười xòa, lại xoa đầu tôi như xoa đầu đứa trẻ.

Khu du lịch của ông ngăn nắp, nhân viên làm ở đây nhìn ai cũng như nàng thơ vậy. Người ta đồn đoán bảo, “chắc gì đã tốt, khéo là bồ nhí cả nên mới chả sa thải đứa nào trong lúc khốn đốn vì dịch bệnh”. Ông lại cười khùng khục, chả để ý chuyện đó làm gì, miệng lưỡi thiên hạ đi đôi co làm sao được. Ông rít điếu thuốc lào, làn khói bay bảng lảng như nhịp điệu buồn trong ông về nhân tình thế thái. Dịch bệnh qua đi rồi, người ta lại đi du ngoạn sau bao năm bị sợi dây vô hình buộc chân lại. Doanh thu của công ty tăng lên, lợi nhuận ròng khá lớn, tháng nào ông cũng thưởng cho nhân viên. Thế mà cũng có lời ra tiếng vào, bảo ông lấy tiền công ty “bo” cho gái trẻ. Đến là khổ, sao người đời bạc ác thế là cùng, lần đầu tiên tôi thấy ông thở dài, có lẽ lúc này ông buồn hơn tôi nghĩ.

Tôi cùng ông đi dọc con đường hai bên bờ sông, thi thoảng có vài hạt mưa xuân còn sót lại. Lúc nào ông cũng bảo, chú mày sướng thật đấy, chả phải lo nghĩ gì nhiều, cứ viết xong là thoải mái lang thang đây đó. Tôi bảo, “anh cho em làm giám đốc mấy hôm kiếm vài tỷ để chả phải viết nữa. Bạc hết cả đầu đây này”. Đôi tay ông lại đưa lên đầu tôi, rồi thốt lên bảo, sao lại đến nông nỗi này, bạc hết bên trong rồi, chú mày nhuộm à. Bỗng dưng ông khóc, nói trong nước mắt, “thế nghề của chú mày cũng khổ vậy sao, anh tưởng mỗi nghề của anh khổ”. Tôi khe khẽ nắm tay ông, thấy thương ông biết nhường nào.

Đợt này, tôi lại thấy ông làm thơ, ông khoe được một tờ báo ở Trung ương đăng chùm thơ và có liên hệ gửi nhuận bút. Ông gửi lại và muốn trao tặng cho một cây viết nào đó mới vào nghề. Nhã ý ấy của ông khiến tòa soạn đó “mủi lòng” và muốn gặp gỡ tác giả. Nhưng ông không có thời gian nữa, công việc “bít” hết cả, tuần này ông nhận lời với xã đến một bản ở vùng cao hỗ trợ người nghèo làm nhà ở. Từ ấy, ông năng tham gia các hoạt động thiện nguyện, mở tài khoản cho sinh viên nghèo hiếu học, rồi tặng quạt mát cho người có hoàn cảnh khó khăn khi mùa hạ đến. Thơ ông trở nên nồng nàn hơn, thắm đượm tình người. Nhiều báo đặt thơ ông, nhưng ông ít gửi, bởi ông làm thơ đâu phải để nổi tiếng, chỉ là để giãi bày tâm sự ở cõi đời này thôi…

Tin cùng chuyên mục