Ông ngoại tôi

- Mùa hạ về, mấy chị em tôi được mẹ cho về ở với quê ngoại thì thích lắm. Ký ức tuổi thơ sống động ở làng quê mãi là kỷ niệm đẹp theo tôi đi qua bao năm tháng. Ông ngoại hiền lắm, trong tâm trí tôi, ông ngoại như ông tiên được nhà trời ban tặng cho anh em chúng tôi vậy.

Những đêm trăng mùa hạ, làng quê tôi đẹp đến nao lòng. Vườn bưởi nhà ông sai lúc lỉu, ngào ngạt hương quả non. Đến độ tháng 8, bưởi bắt đầu rám nắng, ông lấy những quả to nhất, khoét hết múi bên trong rồi lấy vỏ quả làm gối đầu. Ông làm cho cả mấy đứa tôi nữa, mỗi tối khi ngủ ông nhẹ nhàng đưa từng cái gối bưởi xuống gáy đàn cháu nhỏ rồi hỏi có thích không con. Nghe ông giảng giải chúng tôi mới hiểu được, chứ thực tình lúc đầu thấy ông làm vậy thì kỳ lắm. Mùi hương gối bưởi theo tôi mãi cho đến tận bây giờ. Ông bảo, gối bưởi có mùi hương thơm nhẹ, giúp mình dễ ngủ hơn, giảm đau đầu và các chứng bệnh về tiền đình. Chắc bởi ông thường xuyên gối đầu bằng gối bưởi nên chả thấy ông kêu đau đầu bao giờ, da ông mịn lắm, hồng hào, mái tóc trắng như sương nên nhiều khi tôi thấy ông như ông tiên là thế.

Quê ngoại ở tỉnh Nam Định, ông thường kể cho đám trẻ chúng tôi nghe về miền quê đó với những kỷ niệm buồn thời chạy giặc Pháp và cái đói triền miên năm 1945. Giờ nhắc đến ông vẫn khóc thành tiếng vì thương những người xấu số, có khi cả một làng chết gần hết vì đói. Người sống sót dạt đi khắp nơi kiếm cái ăn, ông dạt lên tận miền núi này, gặp bà cũng chạy đói, người Hà Nam, thế là hai người về ở với nhau, không có cưới xin gì cả. Tổng Khởi nghĩa Tháng 8-1945 thành công, chính quyền về tay nhân dân, ông được người dân ở vùng đất mới tín nhiệm bầu làm Chủ tịch xã. Ông vẫn kể cái đận ông làm ông chủ tịch cho chúng tôi nghe, những câu chuyện về nộp vàng bạc ủng hộ chính quyền mới, rồi chuyện đấu tố địa chủ… cứ theo tôi đi qua hết mùa bưởi này sang mùa bưởi khác.

Ông có 3 người con, bác cả chúng tôi lên đường đánh Mỹ vào đầu năm 60 của thế kỷ trước rồi hy sinh ở Trường Sơn, đến giờ vẫn chưa tìm thấy thi thể bác. Bà ngoại tôi khi còn sống, mỗi lần nhắc đến tên bác ấy bà lại ngất vì nhớ thương con. Sau này, cứ mỗi lần nghe thấy ở đâu đó, dẫu là rất xa có người cùng đơn vị với con mình, ông lại tay nải tìm đến để hỏi xem có biết con mình hy sinh ở đâu không. Có khi, ông tôi đi cả tháng, bà ngoại ở nhà khắc khoải lo lắng, mẹ tôi phải xin phép nhà chồng về ở với bà một thời gian vì bác hai đi công tác rồi lập gia đình ở mãi trên huyện. Ông về nhà, gầy xọp hẳn đi, làn da xạm lại, không còn hồng hào nữa. Ông ngồi tư lự trên chiếc tràng kỷ, đôi mắt xa xăm, nỗi buồn dài như dòng sông trôi về biển cả. Không có tin tức gì cả, không ai biết bác cả hy sinh ở đâu, bà ngoại tôi lại ngất đi khiến cả nhà òa khóc.

Năm ấy bác hai tôi bị kỷ luật, bị đưa về quê chăn bò để phục hồi phẩm giá. Sau này tôi mới hiểu chuyện, chứ trước đây mỗi lần nhìn thấy bác tôi thấy ớn lạnh lắm, cứ tự hỏi, tại sao nhìn bác tử tế thế kia mà lại làm chuyện đồi bại đấy. Chả là thế này, có một người phụ nữ luống tuổi không lấy được chồng, đánh liều “xin” bác đứa con, trong lúc mủi lòng thế là chuyện đó có thật. Cơ quan, đoàn thể phát hiện ra, bác tôi mắc vào tội ngủ hóa, phải cho đi cải tạo xã hội chủ nghĩa. Cũng là tạo điều kiện cho bác nên đưa bác về quê vừa được ở với gia đình vừa được cải tạo theo quy định. Nhưng ông tôi thì nghĩ khác, ông dứt khoát không cho bác về nhà, bác cứ lảng vảng đến cổng là ông lấy cái vồ đập đất đuổi đi. Vừa đuổi ông vừa chửi, ông hiền thế mà chửi ghê lên, có bài có bản “cái tông giống nhà mày, nhà tao không có cái hạng như mày, mày cút đi”. Mãi sau này tôi hỏi mẹ mới hiểu được thế nào là cái tông giống. Bác tôi phải ở trong chuồng bò của hợp tác xã, bác bị cả cái làng xã khi ấy coi thường nhưng bác vẫn chấp nhận. Ba tháng cải tạo xong, bác về nhà chào cha mẹ nhưng ông tôi vẫn dứt khoát không cho vào nhà.

Người con của bác hai tôi “đánh giậm” thêm theo mẹ về tận miền xuôi sinh sống, năm nào cũng lên thăm ông. Ông thương anh lắm, ông còn cho hẳn con trâu về làm, nhưng anh bảo, nhà con ở thành phố con lấy trâu của ông làm gì. Ông cười bảo, thì con bán đi, lấy tiền mà làm ăn, nhưng anh dứt khoát không nhận. Sau này ông tôi mất, anh ít về thăm quê hơn, vừa rồi nhà làm mộ gió cho bác cả anh mới lại gặp cha mình. Bác hai tôi giờ có tuổi, hay khóc lắm, cứ thấy anh, bác lại quay mặt đi, nước mắt trào ra. Vợ bác thì bảo, con nó lên chơi, ông khóc làm gì cho con nó buồn. Bà giục anh đi tắm, chuẩn bị cơm nước là vừa. Bà cứ xưng mẹ với anh, bà bảo, thêm người thêm của, thằng bé có tội gì đâu.

Bác tôi nghe vợ nói vậy cứ òa lên khóc, gọi tên cả ông tôi, xin lỗi ông vì để ông buồn. Nhưng sau này, ông tôi hiểu chuyện, ông không giận bác nữa. Ông ra đi thanh thản nhưng con cháu nhớ ông khuôn nguôi. Tôi tự hào vì cuộc đời mình có ông, ông cho tôi những bài học đầu đời về lẽ sống, về tình yêu quê hương, đất nước từ những việc làm của ông.

Trịnh Thành Công

Tin cùng chuyên mục