Minh họa: Cảnh Trực
Ngày ấy, chúng tôi cùng lớn lên ở miền sơn cước, nơi có những cánh rừng nguyên sinh bạt ngàn. Ngôi làng nhỏ của chúng tôi tuy nghèo nhưng nhờ sự che chở, bao bọc của rừng già mà làng tôi luôn bình yên trước mọi thiên tai. Chị rất yêu những cánh rừng. Trong số các bạn cùng trang lứa không ai đi rừng giỏi như chị. Chúng tôi cùng đi hái nấm, lấy củi, đào măng, chân chị cứ bước đi thoăn thoắt không biết mệt.
Tôi có ước mơ được thoát ly khỏi vùng quê nghèo đến thành phố lập nghiệp. Còn chị có ước mơ ở lại quê hương canh giữ những cánh rừng. Tuổi thơ của chúng tôi cứ thế trôi đi rồi đến một hôm chị đang đi học ở trường nội trú thì nghe tin bố mẹ mắc bệnh hiểm nghèo rồi ra đi sau đó không lâu để lại bốn người con nheo nhóc. Chị gần như gục ngã, như không còn đủ sức mà bước tiếp. Thương chị thắt lòng, tôi luôn ở bên nắm chặt tay chị và nói những lời động viên. Nỗi đau vợi bớt, chị quyết tâm học hết cấp ba và theo học ngành lâm nghiệp, thực hiện ước mơ tuổi thơ là trở thành cán bộ kiểm lâm bảo vệ những cánh rừng.
Cái nghề chỉ phù hợp với cánh đàn ông nhưng theo chị, khi phụ nữ quyết tâm thì làm được những điều mà nam giới cũng phải nể phục. Dầm mưa dãi nắng cộng bao nỗi vất vả mưu sinh, làn da chị trở nên đen sạm. Dáng vóc mềm mại của cô sơn nữ giờ đây được thay bằng một dáng hình rắn rỏi, chắc nịch. Tính cách mạnh mẽ, quyết đoán của chị khiến đám đàn ông chẳng dám đến gần. Nhưng có một chàng trai mồ côi từ lâu đã nhìn ra vẻ đẹp trong trẻo trong tâm hồn của chị. Một đêm trăng thanh, không hiểu sao anh lại sánh vai bên chị dưới bóng rừng thơ mộng. Anh nói với chị, tình yêu không đến từ vẻ bề ngoài. Anh lặng lẽ quan tâm, giúp đỡ chị và gia đình từ việc lớn đến việc nhỏ. Dần dà chị cảm mến anh rồi hai người nên nghĩa vợ chồng.
Đêm đêm thức trông con cho vợ đi làm nhiệm vụ cắm chốt ở cửa rừng, anh càng thương vợ nhiều hơn. Tôi mừng khi chị có một gia đình hạnh phúc mà tình yêu rừng của chị vẫn vẹn nguyên theo năm tháng. Sớm chiều anh vẫn mở cửa hàng sửa chữa xe máy, bán các loại xe máy cho người dân quanh vùng, có thu nhập khá, đỡ đần vợ nuôi con ăn học.
Chị kể cho tôi nghe về những cánh rừng trai, nghiến, đinh, sến, táu cổ thụ, mỗi cây hàng chục người ôm không xuể. Nhiều cây được công nhận là cây di sản quốc gia, trở thành điểm đến, trải nghiệm của những người yêu thiên nhiên, hương sắc rừng già. Cứ mỗi dịp hè, tôi lại cho bọn trẻ về quê để chị đưa chúng đi khám phá núi rừng. Chúng thích thú bơi lội, đùa giỡn ở thác nước và thầm biết ơn những người lặng lẽ bảo vệ rừng để những cánh rừng già còn mãi.
Gửi phản hồi
In bài viết