Minh họa: Cảnh Trực
Năm tháng trôi đi mái tóc của bố mẹ thêm màu pha sương, làn da thêm đồi mồi, các con ông thương bố mẹ biết nhường nào, đều học hành chăm chỉ, tiến bộ. Trong mỗi bữa ăn, bố mẹ đều căn dặn các con phải biết tiết kiệm, giữ gìn phẩm giá, cốt cách để trở thành người thầy giáo mẫu mực trong tương lai. Thế là, từ ấy không ai bảo ai, các con ông đều hướng thi vào ngành sư phạm và đỗ đạt với số điểm cao.
Khi các con còn là sinh viên, dẫu cuộc sống gia đình còn vất vả lắm nhưng bố mẹ chưa bao giờ yêu cầu con mình đi làm gia sư, đi làm thêm hay bất cứ công việc nào khác để toàn tâm cho việc học. Bởi theo bố mẹ muốn có trò giỏi thì phải có thầy giỏi tạo nguồn nhân lực cao xây dựng đất nước. Đến giờ, trong câu chuyện cha con, bố ông vẫn tự hào rằng những lời răn dạy của mình dành cho con hoàn toàn đúng, không giáo điều, bởi muốn đất nước bước sang kỷ nguyên phát triển mới như đang hướng tới thì càng cần nguồn nhân lực có chất lượng cao, vai trò của người thầy lại càng quan trọng.
Ông bà đã nghỉ hưu, cái tuổi được sống trong cảnh nhàn nhã. Nhưng sớm chiều ông bà vẫn trồng rau sạch mang ra chợ bán, con cái không thể khuyên ngăn. Ông bà bảo bố mẹ làm việc quen chân quen tay rồi, nhàn rỗi dễ sinh đau bệnh, con cái thêm vất vả. Mỗi ngày, tôi vẫn thấy hình ảnh bà lão mặc chiếc áo bạc màu quắp cái rổ rau bên sườn mang ra chợ. Có hôm trời mưa tầm tã, tôi vẫn thấy bà khoác mảnh áo mưa chờ khách đến mua cho đến khi hết rổ rau mới về. Nhiều hôm mưa to gió lớn, tôi ghé qua mua hết số rau của bà. Bà nghĩ tôi thương hại nên không chịu, tôi phải nói rằng nhà mình làm lẩu cần rất nhiều rau bà mới chịu bán. Những lúc vắng khách bà tranh thủ nhặt nhạnh những chiếc vỏ lon, vỏ chai nhựa mọi người vứt ở xó chợ đem về tích góp bán đồng nát…
Thấy tôi hay mua rau giúp bà, thi thoảng lại biếu bà ít túi nilon đựng rau, mấy chị chủ các sạp hàng kế bên mới rỉ tai tôi: Bà ấy giả nghèo giả khổ đấy, các con trai gái, dâu rể nhà bà toàn người thành đạt, toàn tiến sĩ với thạc sĩ cả đấy, người làm giảng viên đại học, người dạy trường chuyên, đứa làm việc ở ngân hàng...
Khi biết chuyện, tôi càng thấy nể phục ông bà hơn. Dù cuộc sống giờ đây đã khấm khá, con cái trưởng thành, có của ăn của để, ông bà vẫn giữ nếp xưa: Tiết kiệm tối đa điện, nước, nấu nướng vừa đủ ăn, quần áo vừa đủ mặc... không lãng phí dù là thứ gì nhỏ nhặt nhất. Ông bà luôn răn dạy con cháu dù giàu có vẫn phải tiết kiệm, ngoài kia còn rất nhiều hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ, đừng tham lam, bởi cái gì không phải của mình thì trời đất rồi cũng lấy lại. Dù có học cao, địa vị cao đến đâu cũng phải lấy đức làm gốc, đừng vì danh, lợi mà đánh mất mình. Các con, cháu luôn khắc ghi lời dạy của ông bà, ai cũng sống giản dị, tiết kiệm, liêm chính. Đó là những đức tính tốt không phải ai cũng có được khi xã hội ngày càng coi trọng vật chất, chạy theo danh lợi.
Từ hôm ấy, tôi càng nâng niu giá trị của lao động, tinh thần yêu con chữ của gia đình bà bán rau ngoài chợ. Tôi tự nhủ lòng phải chăm lo cho các con học hành, giáo dục con cái biết trân trọng giá trị lao động, trân quý tình người, con cái trở thành người có ích cho xã hội, cùng quê hương, đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới.
Gửi phản hồi
In bài viết