Bài “Tản mạn tên làng” đăng trên Báo Tuyên Quang ngày 16-1-2024 đưa thông tin: Ủy ban nhân dân xã Lưỡng Vượng đã số hóa 11 thôn Song Lĩnh, Cổ Ngựa, Đồng Lem, Cầu Đá, Gò Gianh... với lý do “để thuận lợi cho quá trình lên phường”. Và “đã được xã thống nhất, lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận từ phía người dân”.
Việc làm đúng quy trình, bài bản. Song “để thuận lợi” có phải là lý do cần thiết?. Giữ tên cũ, nhiều lắm thêm vài trăm ký tự trong các văn bản chắc chẳng làm khó gì cho quản lý hành chính. Với lý do này không lẽ mai đây khi thành lập phường ở các xã ATK thì các di tích lịch sử, Tân Lập, Hồng Thái, Hang Bòng, Khuôn Điển... cũng chuyển thành số đếm cả hay sao?
Lập làng, khi quy mô dân số tăng lên và một bề dày thời gian nào đó thì dựng đình làng - thiết chế hành chính, văn hóa. Đình làng Kinh, đình làng Tày, đình làng Cao Lan, đâu đâu cũng thấy. Những tên làng Gà Luộc, Đồng Chãu, Cầu Đá, Cầu Giát... tác giả Trần Liên dẫn ra thật sự gây ấn tượng. Đâu phải ngẫu nhiên mà những tên làng ấy ra đời. Người dân sinh sống ở làng, trải bao khốn khó, chung sức đồng lòng để tồn tại.
Trải qua quá trình lao động, gắn kết, bằng vào sự quan sát tinh tế, sự chiêm nghiệm sâu sa những yếu tố riêng có, người dân sở tại mới sáng tạo ra tên làng. Nói không ngoa, có mồ hôi, nước và cả máu xương trong tên làng. Tên làng, tên phố là sản phẩm văn hóa. Ở đó biểu hiện sức sáng tạo, tâm hồn lãng mạn của cộng đồng dân cư sở tại. Khi những tiếng “hồn làng”, “người làng” cất lên nghe xúc động biết bao, vừa thân thương, vừa hàm chứa niềm tự hào. Văn hóa, lịch sử, tính cách, cả giọng nói, phương ngôn, phương ngữ gói trong “hồn làng”. “Trong mỗi trái tim ta ấp ủ một tên làng”. Có làng mới có nước. Nước do nhiều làng hợp lại mà thành, thường nghe câu Giữ làng, giữ nước.
Làng, tên làng quan trọng biết nhường nào, chẳng thế mà danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi đã dày công trước tác sách Dư Địa Chí, rồi học giả Lê Quý Đôn lặn lội nhiều địa phương trong đó có Tuyên Quang làm sách Kiến văn tiểu lục, trong có không ít tên thôn, làng được ghi lại. Gần đây nhóm tác giả Bảo tàng Tuyên Quang đã tìm đến 2.058 thôn, xóm, bản, vạn chài, tổ dân phố; đồng thời đi thực địa nhiều thôn bản của 7 tỉnh giáp ranh để có tư liệu xuất bản cuốn “Địa danh các làng xã Tỉnh Tuyên Quang từ thế kỷ XIX đến nay”.
Về chuyện này, các tên làng của xã Ỷ La đã đánh số từ 1 đến 41. Khi quyết định đưa ra, những yếu tố lịch sử không được tính đến: Cuộc biểu tình lên án quân Tưởng bắt giữ Chủ tịch Việt Minh Nguyễn Công Thành đã diễn ra ở Làng Đồng. Những khẩu pháo đặt ở Làng Đồng đã nã đạn vào quân Pháp đóng trong thị xã Tuyên Quang tháng 5 năm 1949. May thay, có ý kiến ông Đặng Quang Tiết, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thì địa danh “Cây đa nước chảy” mới không bị số hóa.
Đặt tên cho địa phương mới - do chia tách hay sáp nhập - nên, tham khảo: Điện Biên Đông, Nam Thăng Long, Bắc Từ Liêm... Giữ tên cũ, thêm vào chỉ một từ chỉ vị trí địa lý của đơn vị mới.
Chúng ta càng né tránh sai lầm càng dễ lặp lại sai lầm. Chỉ cần vài phút cho một quyết định hành chính, song cần hết sức thận trọng, lắng nghe nhiều phía khi đưa ra những quyết định liên quan đến văn hóa.
Được biết ở Lưỡng Vượng hiện có Đình Phúc An, Đình Đồng Lem, Đình Cổ Ngựa. Cư dân ba làng phần đông là người Cao Lan. Một điểm nổi bật, nhận biết được ngay của đình Cao Lan là đình được dựng trên một khoảng đất bằng nằm ngoài khu dân cư và bao giờ cũng có khoảng không gian thoáng đãng, có nhiều cổ thụ. Gần như đình mỗi làng có một cổ thụ đặc trưng. Đình Phúc An đặt giữa một khoảnh rừng nhiều cổ thụ khác loài.
Đình Đồng Lem có cây duối trăm tuổi, dáng cây vạm vỡ, chắc khỏe, tán dày, xanh tốt quanh năm. Đình Cổ Ngựa, có cây đa ngót trăm tuổi, trồng cùng thời gian dựng đình. Cạnh đó là một cây me, thân thẳng đứng, đường kính một người ôm không xuể; một cây kháo vỏ trắng cao vút từ xa đã nhìn thấy. Đình làng Cao Lan bài trí theo chiều dọc, gần giống như nhà “ống”. Riêng đình Đồng Lem mới có sự tiếp thu bài trí của đình miền xuôi. Hậu cung được vào gian giữa, bài trí theo chiều ngang.
Ba đình đều Lễ Khai xuân vào tháng Giêng: Phúc An, Đồng Lem là Mùng 2; Cổ ngựa Mùng 10. Lễ hạ điền: Tùy vào thời tiết nông vụ, thường vào tháng Tư. Lễ cơm mới: Cũng không định ngày, thường là tháng Chín. Cổ ngựa là Mùng 10 tháng Mười; lễ Phong mã, đóng cửa rừng, không động thổ vào 25 tháng Chạp. Nếu khi quyết định đánh số tên làng thực hiện, thì sẽ xử lý thế nào đối với nhiều chuyện văn hóa, tín ngưỡng của xã Lưỡng Vượng, cụ thể là những ngôi đình đi liền nghi thức thờ cúng khác nhau?
Bàn chuyện tên làng để thấy chuyện muôn năm chưa bao giờ cũ.
Gửi phản hồi
In bài viết