Sắc thái riêng biệt di sản văn hóa xứ Tuyên
So với nhiều địa phương trong cả nước, hiếm có tỉnh, thành phố nào có kho tàng di sản đồ sộ như Tuyên Quang. Toàn tỉnh có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt, 138 di tích quốc gia, trên 250 di tích cấp tỉnh. Không chỉ có sự phong phú về di tích vật thể, Tuyên Quang còn có sự đa dạng, đặc sắc về văn hóa phi vật thể với 425 di sản, trong đó có 17 di sản đã được công nhận cấp quốc gia.
Câu lạc bộ Then Bản Nhùng, xã Năng Khả (Na Hang) tích cực bảo tồn phát huy Then trong cộng đồng. Ảnh: Quang Hòa
Nhiều di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc đã được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia như: lễ hội Lồng Tông, hát Then của dân tộc Tày; lễ Cấp sắc, hát Páo dung của dân tộc Dao; hát Sình ca của dân tộc Cao Lan; hát Soọng cô của dân tộc Sán Dìu; Lễ Nhảy lửa của người Pà Thẻn; Tri thức về Cọn Nước và Tri thức và tập quán trồng lúa nước của người Tày… các di sản đã và đang được gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị trong đời sống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái là di sản văn hóa của Việt Nam được UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tại Tuyên Quang, thực hành Then đã và đang được đồng bào dân tộc Tày gìn giữ và phát huy trong đời sống, trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân.
Ngoài ra, Tuyên Quang còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc cổ, trong đó bia Bảo Ninh Sùng Phúc được công nhận là bảo vật quốc gia, cùng nhiều di tích đền, chùa như: đền Cảnh Xanh, đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La, chùa Hang, chùa Phật Lâm, chùa Phúc Lâm, các chuông bia, thần phả, ngọc phả... là lợi thế đặc biệt để tỉnh khai thác phát triển du lịch tâm linh.
Mỗi dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều có những nét văn hóa đặc sắc từ trang phục, nhà ở, ẩm thực, dân ca... trở thành nguồn tài nguyên vô giá để tỉnh khai thác thành những sản phẩm du lịch độc đáo thu hút khách du lịch. Với sự đa dạng về phong cảnh thiên nhiên, phong phú về bản sắc văn hóa dân tộc và bề dày lịch sử, Tuyên Quang đã và đang là điểm đến thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế đến tham quan mỗi năm.
Lễ hội đền Thượng, đền Hạ, đền Ỷ La được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Bảo tồn gắn với phát huy giá trị di sản
Nhận thức được di sản văn hóa là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, tỉnh đã quan tâm chỉ đạo hoàn thiện đồng bộ quy hoạch, kế hoạch về bảo tồn, tôn tạo, phục hồi và phát huy giá trị các khu, điểm di tích, danh thắng thành các khu, điểm du lịch, đồng thời đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá hình ảnh di sản văn hóa xứ Tuyên.
Nổi bật là tỉnh tập trung triển khai thực hiện các dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào (huyện Sơn Dương), Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Bình (huyện Chiêm Hóa). Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Ngoài ra, hiện toàn tỉnh có trên 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh, được ví như “bảo tàng cách mạng” của cả nước, là địa chỉ đỏ về nguồn của người dân cả nước và điểm đến của du khách nước ngoài cũng là tiềm năng lợi thế để tỉnh khai thác phát triển du lịch.
Hát Soọng cô của đồng bào dân tộc Sán Dìu tỉnh Tuyên Quang được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.
Công tác bảo tồn, phục dựng lễ hội cũng được tỉnh quan tâm. Nhiều lễ hội được duy trì và tổ chức quy mô như: Lễ hội Lồng Tông của đồng bào dân tộc Tày ở các huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa; Lễ hội đình của dân tộc Cao Lan ở các huyện Yên Sơn, Sơn Dương và thành phố Tuyên Quang. Đặc biệt, tỉnh duy trì tổ chức Lễ hội Thành Tuyên - lễ hội Trung thu độc đáo và đã trở thành sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Tuyên Quang, lễ hội được tổ chức thường niên gắn với các sự kiện văn hóa cấp quốc gia và khu vực, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương.
Việc liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa tỉnh với các tỉnh vùng Việt Bắc thời gian qua có ý nghĩa quan trọng, là bước đi vững chắc trong việc thúc đẩy tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về mảnh đất, con người, tiềm năng văn hóa, du lịch của tỉnh. Cùng với việc bảo tồn các di sản văn hoá gắn với phát triển du lịch, Tuyên Quang không chỉ giới thiệu, quảng bá các di sản văn hóa độc đáo của tỉnh, mà còn đẩy mạnh kết nối đầu tư, hợp tác phát triển với các tỉnh trong khu vực, thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch, kinh tế của tỉnh. Qua đó khai thác tiềm năng thế mạnh đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Gửi phản hồi
In bài viết