Chuyện ít biết về ca khúc Happy New Year

- Mỗi dịp năm mới, chúng ta lại thường nghe những âm thanh da diết của ca khúc Happy New Year - trong album Super trouper, phát hành năm 1980 của ban nhạc ABBA huyền thoại. Quen thuộc là thế, nhưng có những điều về ca khúc ít người biết.

Bản thảo đầu tiên, Happy new year mang một cái tên dài, hơi hướng lễ hội và hài hước hơn rất nhiều: Daddy don’t get drunk on Christmas day (Bố ơi đừng say sưa trong ngày Giáng sinh). Nhưng sau khi ra đời, nó đã không được chọn để phát hành làm đĩa đơn ngay. Chỉ có phiên bản tiếng Tây Ban Nha của ca khúc là Felicidad được phát hành đĩa đơn ở các nước nói tiếng Tây Ban Nha.

Đến tận năm 1999, ABBA mới “chịu” tung ra thị trường đĩa đơn cho Happy new year. Ban đầu, Bjorn và Benny nảy ra ý định sáng tác một vở nhạc kịch lấy chủ đề về đêm giao thừa nhưng không thể thực hiện được. Nhưng vì vẫn hứng thú với nó, nên bài hát Happy new year ra đời vào tháng 1/1980, và được ghi âm vào tháng 2/1980 cho album sắp phát hành Super trouper.

Ban nhạc có lẽ đã định chọn Happy new year làm đĩa đơn cho album, vì trước tháng 11/1980, trong clip quảng bá có sử dụng hình ảnh của MV Happy new year. Các cảnh tiệc tùng lễ hội được quay kết hợp lúc chụp ảnh bìa cho album. Còn lại sau này, các cảnh thành viên ABBA diễn ca khúc được quay trong căn hộ của đạo diễn Lasse Hallstrom. Những cảnh này nhấn mạnh vào ý nghĩa biểu hiện của lời bài hát, ám chỉ về tương lai chờ đợi phía trước, tạo ra sự tương phản rõ rệt so với cảnh tiệc tùng vui vẻ, hào nhoáng.

Trước thời album Super trouper và Happy new year, kể từ năm 1976, ABBA đã xác lập được địa vị là một trong những nhóm nhạc nổi tiếng nhất thế giới với hàng loạt các hit để đời như Mamma mia, Dancing queen hay Money money money. Năm 1978 và 1979, ABBA tấn công mạnh mẽ vào thị trường Mỹ với 2 album ABBA The album và Voulez-vous.

Nhưng 1979 cũng là năm Bjorn và Agnetha (giọng ca chính của nhóm) tuyên bố ly dị. Điều này chưa đặt dấu chấm hết cho ABBA, nhưng nó cũng đã kết thúc những hình ảnh đẹp về cặp đôi trai tài gái sắc hạnh phúc với âm nhạc. Tuy nhiên, bộ tứ huyền thoại vẫn tiếp tục sát cánh vì công việc, cho đến tận khi chính thức tan rã vào cuối năm 1982.

Như vậy, Happy new year đã ra đời vào một thời điểm khá nhạy cảm, khi vinh quang đang nở rộ, đồng thời cũng là lúc cuộc vui đi đến hồi kết. Chính bối cảnh này dẫn tới nhiều ý kiến phân tích, cho rằng tâm trạng bài hát phản ánh nhiều thứ mang tính cá nhân hơn, đặc biệt liên quan tới cuộc chia ly của Bjorn và Agnetha.

Một điểm kỳ lạ về ca khúc này là mặc dù hàng triệu triệu người trên thế giới nghe đi nghe lại nó vào mỗi dịp năm mới, nhưng chẳng có mấy ai thực sự quan tâm hoặc hiểu rõ ý nghĩa của nó. Đặc biệt là ở các nước mà tiếng Anh không phải là ngôn ngữ mẹ đẻ, và Việt Nam là một ví dụ.

Ban nhạc ABBA.

Giai điệu sâu lắng, tinh tế, không thiếu những đoạn lên tông khá rộn rã và dường như không bao giờ lỗi mốt của Happy new year vang lên vào Tết dương lịch, rồi giao thừa Tết âm lịch của người Việt. Và với nhiều người, nghe Happy new year là cảm thấy ấm lòng, là thấy không khí Tết.

Nhưng Happy new year - Chúc mừng năm mới có thực sự “happy”? 

Sâm - panh đã cạn
Và pháo hoa đã tàn
Và anh với em, ở nơi đây
Tràn đầy nỗi lạc lõng và buồn bã

(No more champagne
And the fireworks are through
Here we are, me and you
Feeling lost and feeling blue).

Như vậy, ABBA mở lời hát không phải vào thời khắc vui vẻ nhất trong giao thừa, mà thực tế, Agnetha cất tiếng khi “bữa tiệc vui đã hết” (It’s the end of the party), vào buổi sáng mùng 1 “ảm đạm” khác hẳn hôm qua. Qua hình ảnh thể hiện trong video, 

Agnetha ngồi hát trên chiếc ghế sofa trong căn hộ ngổn ngang ly rượu, giấy trang trí và bóng bay. Còn Bjorn đứng quay lưng lại máy quay, nhìn ra ngoài cửa sổ trong suốt toàn bộ bài hát. Cách diễn giải đơn giản nhất về Happy new year là tâm trạng của một đôi tình nhân sau bữa tiệc, với con mắt nhuốm đầy ảm đạm và bi quan.

Lời bài hát đặc biệt hay và giàu tính triết lý. Nó khoác lên mình một cảm giác man mác buồn, một chút tĩnh tại mà chúng ta chắc chắn thường cảm thấy vào mỗi dịp năm hết Tết đến. Buồn vì những gì đã qua, và có lẽ, hoài nghi về một tương lai không định sẵn. Ngôn ngữ toàn cầu của Happy new year chắc hẳn nằm ở việc nó có thể chạm đến trái tim của tất cả mọi người, khi con người dù là ai, ở đâu, dù giàu dù nghèo, cũng đều buồn vui lẫn lộn vào năm mới.

Từ cảm giác buồn thương, mất mát ở đoạn 1, ABBA cũng đã hé lộ cảm xúc lạc quan hướng về tương lai, cho dù màu sắc chung của toàn bài vẫn đậm nét ưu tư. Đến đoạn thứ ba, lời bài hát còn nhuốm vẻ sầu muộn hơn, khi “mọi giấc mơ ta từng có vào ngày nào đều đã chết, chẳng còn gì ngoài xác hoa giấy trên sàn nhà” (that the dreams we had before, are all dead, nothing more than 
confetti on the floor).

Những cảm xúc này, dù ở thời đại nào, cũng chẳng thể nào khác đi, và cũng chẳng hề cũ. Dường như ABBA đã chắt lọc những gì tinh tế nhất để viết nên Happy new year, mà cũng có thể, vì ảnh hưởng bởi tan vỡ trong hôn nhân, nên ca khúc chúc mừng năm mới lại xây dựng trên một nốt nhạc trầm. Xét về cả phần lời lẫn phần nhạc, Happy new year chạm đến một phép cân bằng hoàn hảo. Không quá vui, không quá buồn, không quá màu mè, không quá mộc mạc, không quá sôi động mà cũng chẳng ủy mị. Có lẽ vì thế mà hàng năm, cứ đến Tết, người Việt vẫn hạnh phúc và cảm thấy ấm lòng khi lắng nghe giai điệu thân thuộc này.

Happy new year cũng từng được khá nhiều nghệ sĩ trên thế giới hát lại, nhưng không một bản cover nào của Happy new year có khả năng vượt qua hay gần chạm đến được điều mà phiên bản gốc đã làm được vì nó đã quá hoàn hảo.

Dù thực sự bài hát ra đời trong hoàn cảnh không vui vẻ của ban nhạc ABBA, nhưng bài hát vẫn được cất lên khắp nơi mỗi dịp năm mới. Đã có những bản tiếng Việt với ca từ rất tươi vui chào xuân mới; Xin chúc cho mọi nhà cùng người thân hân hoan đón xuân/ Năm mới đi, năm mới sang, đón thêm bao tin vui nơi nơi… Nào bạn ơi hãy cất lên khúc ca tươi vui, chúc cho năm mới an lành…”.   

 (Theo Internet)

Tin cùng chuyên mục