Chọn loại cây dược liệu mũi nhọn, xây dựng thương hiệu riêng

- Tỉnh Tuyên Quang có tiềm năng, lợi thế rất lớn để phát triển các loài cây dược liệu quý hiếm. Song hiện nay, việc khai thác, phát triển cây dược liệu vẫn còn manh mún, chưa thực sự khai thác hết các tiềm năng. Để làm rõ nội dung này, Báo Tuyên Quang đã có cuộc gặp gỡ, trao đổi với Tiến sĩ chuyên ngành Lâm sinh Phạm Quang Tuyến (trong ảnh), Phó trưởng bộ môn Lâm học và Tài nguyên rừng, Viện Nghiên cứu Lâm sinh, Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:

Phóng viên (P.V): Là người đã từng trực tiếp chủ trì thực hiện một số đề tài nghiên cứu khoa học về bảo tồn các thực vật quý hiếm có giá trị cao, có thể làm dược liệu tại Tuyên Quang, xin ông cho biết đánh giá của mình về tiềm năng, lợi thế phát triển cây dược liệu trên đất Tuyên Quang?

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến: Cách đây 5 năm, tôi cũng đã thực hiện đề tài nghiên cứu sinh có liên quan đến cây dược liệu ở tỉnh Tuyên Quang. Viện Nghiên cứu Lâm sinh cũng đã từng thực hiện kiểm kê tài nguyên rừng tại Tuyên Quang. Được đến với Tuyên Quang nhiều lần, nhất là các địa phương như Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, tôi nhận thấy Tuyên Quang có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để trồng và phát triển cây dược liệu một cách bài bản, có giá trị kinh tế cao. Các loài cây dược liệu quý đều xuất phát từ rừng, trong khi đó Tuyên Quang có độ che phủ rừng lớn. Tuy không có những đỉnh núi cao trên 1.500 mét nhưng hệ sinh thái rừng phong phú, đa dạng, khí hậu mát mẻ, trong lành là điều kiện rất tốt để trồng dược liệu dưới tán rừng.

Thực tế cho thấy, trước đây ở vùng Na Hang - Lâm Bình đã từng xuất hiện cây tam thất ở trong rừng. Chúng tôi cũng đã từng trồng thử nghiệm cây Sâm dưới tán rừng ở xã Sinh Long, Na Hang. Sau khi thu hoạch cho thấy, Sâm được trồng ở đây có vị đắng nhẹ, ngọt hậu, hàm lượng Saponin có trong Sâm rất cao. Ngoài ra, điều kiện khí hậu, đất đai ở một số vùng của Tuyên Quang còn thích hợp trồng một số loài dược liệu rất quý hiếm như: cây Bảy lá một hoa, Râu hùm, Thổ tế tân, Lan kim tuyến…

Bên cạnh đó, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Tuyên Quang có nhiều tri thức bản địa về các loài cây thuốc, các bài thuốc dân gian. Đây cũng là một thuận lợi để khai thác giá trị cây dược liệu trong y học khi kết hợp với khoa học kỹ thuật hiện đại.

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến (ngoài cùng bên phải ảnh) nói về giá trị cây dược liệu.

P.V: Ông có nhận định gì về những khó khăn, trở ngại của Tuyên Quang khi phát triển cây dược liệu, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến: Tôi cho rằng, địa hình, giao thông đi lại ở một số vùng có tiềm năng phát triển cây dược liệu dưới tán rừng vẫn còn khó khăn. Điều này cũng là một trở ngại trong việc thu hút các doanh nghiệp, các chuyên gia có trình độ về cây dược liệu đến Tuyên Quang.

Ở Tuyên Quang cũng đã có một số hợp tác xã, doanh nghiệp, người dân trồng dược liệu, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu bước đầu khẳng định tiềm năng và những giá trị của cây dược liệu mang lại. Tuyên Quang cũng đã hình thành nên diện tích trồng cây dược liệu như Giảo cổ lam, sachi, quế, nghệ, xạ đen, cà gai leo, hà thủ ô… song quy mô còn nhỏ lẻ, đầu tư chưa được tập trung.

Hiện nay, ở vùng nông thôn, việc thiếu vắng lực lượng lao động trẻ, ở nhà phần lớn là người già và trẻ em cũng là một trở ngại trong việc đưa khoa học kỹ thuật áp dụng vào việc trồng, chăm sóc, chế biến cây dược liệu. Mặc dù tri thức bản địa về các loại cây thuốc, các bài thuốc dân gian của đồng bào dân tộc thiểu số khá phong phú nhưng ở một số nơi, tư duy về trồng trọt một cách bài bản chưa có nhiều mà chủ yếu vẫn còn tập quán thu hái.

P.V: Ông có đề xuất gì để Tuyên Quang khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế về cây dược liệu, biến cây dược liệu trở thành cây trồng tạo ra sinh kế bền vững cũng như mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân Tuyên Quang?

Tiến sĩ Phạm Quang Tuyến: Tôi cho rằng giải pháp đầu tiên và quan trọng nhất là Tuyên Quang phải chọn loại cây dược liệu phù hợp với lợi thế để xây dựng một vùng dược liệu đủ lớn, đi kèm với các chính sách hỗ trợ đối với loại cây đó. Thực tế hiện nay, có nhiều tỉnh đã xây dựng được thương hiệu đối với một số loại cây dược liệu quý hiếm. Tỉnh Tuyên Quang cũng cần nghiên cứu để lựa chọn và xác định được loại cây dược liệu nào phù hợp để đầu tư xây dựng thương hiệu, tạo ra sự khác biệt với các địa phương khác và tránh đầu tư, phát triển dàn trải. Sau thực hiện các đề tài về cây dược liệu, tỉnh cũng cần phải chọn được loại cây nào là mũi nhọn để tham mưu về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, thực hiện trồng thử nghiệm để rồi nhân rộng ra cộng đồng. Câu chuyện về đồng bộ giữa chính sách, đề tài và ứng dụng khoa học kỹ thuật để phát triển cây dược liệu cũng cần được bàn tới.

Tỉnh cũng cần làm tốt công tác quy hoạch vùng dược liệu và làm một cách quyết liệt, trong đó quan tâm đầu tư về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông tại vùng có tiềm năng phát triển dược liệu.

Phát triển cây dược liệu cần có một chu kỳ khá dài, có loại phải trồng từ 5 - 6 năm, do đó tỉnh cần quan tâm đào tạo nghề về trồng cây dược liệu cho cán bộ địa phương, đội ngũ khuyến nông và người dân, tạo điều kiện để người dân tham gia vào chuỗi sản xuất cây dược liệu.

P.V: Xin cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!

Thực hiện: Thủy Châu

Tin cùng chuyên mục