Cảm hứng từ Điện Biên

- Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954) đã trở thành chất liệu, là khơi nguồn cảm hứng để các văn nghệ sỹ nước ta cho ra đời nhiều tác phẩm xuất sắc ở mọi thể loại. Có những tác phẩm mặc dù ra đời cách đây rất lâu nhưng vẫn được người dân nhiệt tình đón nhận với những tình cảm tốt đẹp nhất, chứng tỏ sức sống mãnh liệt.

Bảo tàng Điện Biên Phủ.

Với thơ, không ai có thể quên được bài thơ “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của nhà thơ Tố Hữu là bài thơ hay nhất và cũng ra đời sớm nhất ca ngợi chiến thắng lịch sử vang dội này. Bài thơ đã đi vào cuộc sống, đi vào lòng người và luôn được nhắc lại từ trong sinh hoạt của nhân dân, của bộ đội đến học sinh, sinh viên trong các giảng đường. Những vần thơ dễ đọc, dễ hiểu, dễ nhớ. Dù các câu thơ ở đoạn đầu hoàn toàn là hô khẩu hiệu nhưng vì được tác giả đặt trong hoàn cảnh chiến thắng nên chúng không chỉ đơn thuần là khẩu hiệu mà có tác dụng hô ứng cho niềm vui vỡ òa, ngợi ca đất nước vinh quang, ngợi ca lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngợi ca vị tướng có tài thao lược là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ngợi ca các chiến sỹ Điện Biên anh dũng tuyệt vời. Không chỉ vậy có những đoạn trong bài miêu tả hành động hy sinh của quân và dân ta trong suốt 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt”, đồng thời sử dụng khẩu ngữ, nhằm hạ thấp kẻ địch, nhấn mạnh thất bại thảm hại của quân địch không thể tránh khỏi khi đối đầu với cả một dân tộc anh hùng.

Tiểu thuyết đầu tiên viết về chiến dịch Điện Biên Phủ là Người người lớp lớp (dày 239 trang gồm ba tập, in vào năm 1954 -1955) của Trần Dần được viết ngay sau khi chiến dịch kết thúc - cũng là cuốn tiểu thuyết đầu tiên của văn học cách mạng Việt Nam. Ngoài ra, còn có một số tiểu thuyết khác viết về đề tài chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có thể kể đến “Cao điểm cuối cùng” của Hữu Mai được công bố lần đầu vào năm 1961.

Với âm nhạc, “Chiến thắng Điện Biên” của nhạc sỹ Đỗ Nhuận - Một bài hát được sinh ra ngay trong đêm trận chiến cuối cùng kết thúc. Giai điệu ca khúc âm vang hào hùng đó, vừa thấy không khí nô nức chiến thắng, vừa thấy thân quen. Ca khúc là sự kết hợp tài tình giữa dân ca đồng bằng Bắc Bộ với những nét âm nhạc của dân tộc Tây Bắc. Ngay sau khi bài hát “Chiến thắng Điện Biên” ra đời, Đài tiếng nói Việt Nam đã chọn giai điệu này để mở đầu cho buổi phát thanh hàng ngày vào lúc 5 giờ sáng.

Các nhạc sỹ cũng cho ra đời hàng loạt ca khúc như Hò kéo pháo (Hoàng Vân), Trên đồi Him Lam (Đỗ Nhuận), Qua miền Tây Bắc (Nguyễn Thành), Đường lên Tây Bắc (Văn An), Tình ca Tây Bắc (Bùi Đức Hạnh). Những ca khúc ca ngợi những người chiến sỹ đã anh dũng hy sinh cho Điện Biên cũng đã được các nhạc sỹ viết lên với tất cả tình cảm chân thành của mình như Bế Văn Đàn còn sống mãi (Huy Du), Em bé Mường La (Trần Ngọc), Nhớ anh Phan Đình Giót (An Thuyên)… Những tác phẩm này dường như làm nên một nền văn nghệ Điện Biên kéo dài vô tận cho đến hôm nay và mai sau… Nối tiếp truyền thống sáng tác về Điện Biên trong những năm gần đây, các nhạc sỹ và biên đạo múa tên tuổi như nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha, Thao Giang, nhà biên đạo múa Lê Ngọc Canh… cũng đã cho ra đời nhiều bài ca, điệu múa về Điện Biên.

Về mỹ thuật (điêu khắc và hội họa) thể hiện về Điện Biên Phủ tuy không nhiều nhưng cũng có những tác phẩm tầm cỡ, hoành tráng ghi được dấu ấn đậm nét ở Điện Biên lịch sử như: Tranh ký họa của họa sỹ Tô Ngọc Vân, tranh sơn mài Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ của Nguyễn Sáng (Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 1, năm 1996) được Thủ tướng Chính phủ công nhận là bảo vật quốc gia (30/12/2013). Nhiều họa sỹ khác như Trần Khánh Chương, Ngô Mạnh Lâm, Vương Duy Biên, của Dương Hương Minh, tượng đài của Nguyễn Hải… cũng đã thể hiện được đề tài về Điện Biên Phủ trong các tác phẩm của mình khá rõ nét.

Về điện ảnh, các nhà làm phim Việt Nam đã mang đến cho khán giả nhiều bộ phim hay như: Ký ức Điện Biên (hay Người hàng binh), Địa chấn ở Điện Biên, Cột mốc vàng Điện Biên Phủ, Câu chuyện trên đồi A1, Điện Biên Phủ ngày nay...

Lĩnh vực sân khấu, mặc dù số lượng tác phẩm còn ít nhưng một số tác phẩm lại gây ấn tượng mạnh như: Chèo “Mối tình Điện Biên” của Lưu Quang Thuận, “Ánh sao đầu núi” của Tào Mạt - Hoài Giao, “Thông điệp Điện Biên” của Nguyễn Khắc Phục và đặc biệt là vở “Bài ca Điện Biên” của Tất Đạt. Riêng Bài ca Điện Biên được coi là vở kịch lịch sử hoành tráng nhất từ trước tới nay với số lượng diễn viên tham gần 300 người được huy động từ nhiều đơn vị nghệ thuật.

Ngoài những văn nghệ sỹ trực tiếp tham gia chiến dịch và sáng tác ngay ở chiến trường Điện Biên Phủ, hơn nửa thế kỷ qua, chiến dịch Điện Biên Phủ vẫn luôn trở thành nguồn cảm hứng của nhiều văn nghệ sỹ Việt Nam trong sáng tạo nghệ thuật. Với khối lượng tác phẩm lớn ở đủ loại hình, những tác phẩm văn học nghệ thuật của các văn nghệ sỹ đã góp phần tôn vinh chiến công vĩ đại của nhân dân ta, xây dựng nên tượng đài tinh thần, vinh quang bất diệt của dân tộc Việt Nam.

Mai Ngọc

Tin cùng chuyên mục