Vang mãi Bản hùng ca

- Điện Biên - Địa danh đi vào lịch sử kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc như một trang sử chói lọi. Ngày nay, Điện Biên trở thành một địa chỉ đỏ du lịch về nguồn, thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Những thế hệ cầm súng ở chiến trường Điện Biên năm xưa người còn, người đã khuất núi. Những thế hệ đi sau thăm lại địa danh Điện Biên Phủ vẫn luôn tự hào về truyền thống dân tộc, thế hệ cha anh đi trước. Để tỏ lòng ngưỡng mộ và biết ơn, các nhà thơ của Tuyên Quang đã có những vần thơ xúc động về Điện Biên.

Các nhà thơ Tuyên Quang thăm chiến trường Điện Biên Phủ năm 2019.  Ảnh tác giả cung cấp

Nhà thơ Nguyễn Thanh Bình có bài “Trước nghĩa trang liệt sỹ Điện Biên”. Bài thơ có đoạn: “Tôi hòa mình cùng hoa lá cỏ cây/Cùng dòng người từ Tân Trào, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Tháp/Nén nhang trầm nghẹn trong nước mắt/Tên các anh Phan Đình Giót, Tô Vĩnh Diện, Bế Văn Đàn/Và ngàn ngàn đồng đội hy sinh/Cho Điện Biên khắc vào thế kỷ/Dù có bao tượng đài hùng vĩ/Không bằng tượng đài trong triệu con tim”. Bên cạnh đó, bài “Tìm cha” nhân một chuyến đi thực tế ở Điện Biên Phủ, nhà thơ Nguyễn Thanh Bình viết: “Con lên đồi A1 tìm cha/Phượng nở như màu cờ tổ quốc/Mãi mãi sau không thể nào quên được/Cha cùng đồng đội hy sinh/A1 ơi/Còn mãi trong tim/Suốt tháng năm con vẫn trông tìm/Có phải linh thiêng, trời mưa tầm tã/Như lòng con, đẫm lệ nhòa/Lên đồi A1 con tìm cha/Cha hóa thân vào cỏ cây hoa lá/Cha hóa thân vào con đường ngõ phố/Vào nụ cười trai gái yêu nhau/Vào rừng xa nơi những bản nghèo”.

Cứ đến ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ 7-5-1954, nhà thơ Vũ Mạnh Tữ lại bồi hồi. Ông lục đống bản thảo, đọc cho bạn thơ nghe những vần thơ thống thiết về Điện Biện. Bài “Sắc nắng Điện Biên” với giọng thơ giàu tình cảm: “Dẫu còn đấy những tấm bia “chưa biết tên”/Đất mẹ ôm anh vào lòng thương nhớ/Thế giới hôm nay có nhiều thay đổi/Những không thay đổi được nỗi đau…/Mỗi khi “Tổ quốc gọi tên mình”/Điện Biên! Trời bừng sáng lung linh/Cánh hoa ban ùa vào ký ức/Hàng bia mộ các anh - bao điều hiện thực/Mường Thanh âm vang…/Tiếng súng vọng hòa bình/Tôi lặng yên như giây phút bình minh/Để đất nước vạn lần tỏa sáng/Hồng Cúm, Him Lam, Bản Kéo…/Nắng ùa vào - trong nắng Điện Biên”. Bài “Đỡ lấy Pha Đin” tác giả bay bổng: “Đến Pha Đin/Tôi gặp từng cơn gió/Từng đám mây chững lại/Giữa không gian và những khoảnh khắc bồi hồi/Tiếng “hát, hò” còn nằm lại ở bên tôi/Rưng rưng đại ngàn, nao nao mùa nắng gọi/Kia, ai ngập ngừng, ai đang đi tới.../Để chiều nay… tôi giơ tay - đỡ lấy Pha Đin”. Bài “Nốt nhạc Điện Biên” nhà thơ Vũ Mạnh Tữ lại cho ta một cảm xúc khác: “Có ngày anh trở lại Điện Biên/Đứng! nhìn tóc em “tằng cẩu”/Có phải ngày xưa, có một ngày không trọn vẹn/Để bây giờ anh nhớ Điện Biên”.

Từ trái qua phải: Nhà thơ Nguyễn Quốc Tấn, Nguyễn Thanh Bình, Vũ Mạnh Tữ.

Sinh vào đúng năm giải phóng Điện Biên 1954, nhà thơ Nguyễn Quốc Tấn có một tình cảm đặc biệt với Điện Biên. Bài “Em Điện Biên nhớ đảo” ông thể hiện: “Ngồi trên hầm sắt lòng nao nhớ/Tiếng sóng Trường Sa vỗ mạn thuyền/Chấn thủ Điện Biên em còn giữ/Áo phao đi biển mãi không quên”. Bài “Nhớ Điện Biên” tác giả viết: “Từ Tân Trào Tuyên Quang/Gửi Điện Biên những tháng ngày xa nhớ/Pha Đin, Him lam địa danh lịch sử/A1 xưa trắng sắc hoa ban/Nhớ từng đèo, từng tiếng nói đan xen/Tiếng lửa bập bùng nếp nhà treo sườn núi/Nhớ điệu xòe từng nhịp chân khấp khởi... Tình người cũ, phố phường tràn nắng mới/ “Thủ đô” Tân Trào mang tình Người vời vợi/Gửi Điện Biên bản tình ca không nói hết bằng lời”.

Ở Tuyên Quang còn biết bao nhà thơ, tác giả viết thơ về Điện Biên để nhắn nhủ con cháu, thế hệ đi sau đừng bao giỡ lãng quên lịch sử. Có lịch sử mới “nuôi dưỡng” sự trường tồn của dân tộc.
 

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục