Mảnh mai cây lúa quê nhà
Nghìn năm bão lũ xoáy qua đất này
Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày
Lật hai phía đất mà xây mùa màng
Phất cờ trụ với thời gian
Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi
Lá xanh vút thẳng lên trời
Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay
Rễ bền hút chặt đất đai
Mà nên cổ thụ với đời, lúa ơi
Nợ nần nước mắt, mồ hôi
Thủy chung tỏa xuống vai người ấm no
Rưng rưng cây lúa quê nhà
Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời
Nguyễn Sĩ Đại
Bài thơ Cây lúa in trong tập thơ “Nguyễn Sĩ Đại, Trái tim người lính”, được Nhà xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1988. Ngôn ngữ trong thơ giản dị, được viết theo thể lục bát - thể thơ xuất phát từ chính đời sống sản xuất của người dân. Có lẽ đây chính là dụng ý của tác giả, khi dùng thứ ngôn ngữ giản dị nhất, thể thơ bình dân nhất để nói về chủ thể không thể thiếu trong đời sống người Việt: Cây lúa!
Khổ thơ mở đầu đã gây được ấn tượng cho người đọc. Ấn tượng đó được tạo nên từ chính động từ: “nghiêng, lật, xây”: Mảnh mai cây lúa quê nhà/Nghìn năm bão lũ xoáy qua đất này/Mẹ cha nghiêng xuống rãnh cày/Lật hai phía đất mà xây mùa màng.
Có những cái cúi người đến nghiêng ngả, có những bàn tay lật từng miếng đất, mới xây được mùa vàng óng ả, trĩu bông: Phất cờ trụ với thời gian/Qua trăm bồi lở vượt ngàn bom rơi/Lá xanh vút thẳng lên trời/Bông vàng trĩu xuống cho người cầm tay.
Qua nghìn năm bồi tụ, lắng đọng, qua bom rơi bão lửa… cây lúa vẫn gắn với người nông dân, ngát xanh trên đồng ruộng.
Đọc Cây lúa, ấn tượng nhất có lẽ là những hình ảnh đối lập: lá xanh vút thẳng/bông vàng trĩu xuống. Hình ảnh cây lúa, nhưng cũng là hình ảnh con người. Lúa từ hiên ngang vươn mình, mới có được bông vàng nặng tay. Người có cúi đầu, chăm chỉ từng ngày, mới có ngày được ngẩng cao đầu hưởng trái ngọt. Rễ bền hút chặt đất đai/Mà nên cổ thụ với đời, lúa ơi/Nợ nần nước mắt, mồ hôi/Thủy chung tỏa xuống vai người ấm no.
Cây lúa từ mảnh mai, được nuôi dưỡng bởi mảnh đất quê nhà, bởi tình yêu cần mẫn của người nông dân mà “nên cổ thụ với đời, lúa ơi”. Rưng rưng cây lúa quê nhà/Tôi từ bóng lúa lớn ra cuộc đời.
2 câu thơ kết như một sự khẳng định về nguồn cội, về mạch nguồn nuôi dưỡng nhà thơ, cũng như biết bao người lớn lên từ đồng chiều cuống rạ: Từ hạt thóc hạt gạo quê nhà mà lớn khôn, bước ra cuộc đời.
Gửi phản hồi
In bài viết