Danh tiếng phải đi kèm trách nhiệm

- Nghệ sĩ quảng cáo sản phẩm, trong đó có sản phẩm thuốc không hiếm gặp trên các nền tảng mạng xã hội. Thế nhưng, câu chuyện quản lý như nào, trách nhiệm của nghệ sĩ ra sao thì lại đang bị bỏ ngỏ, khiến cho người tiêu dùng nhiều khi vì tin tưởng gương mặt thương hiệu mà “tiền mất tật mang”.

Khi lời hoa mỹ không đi kèm chất lượng

Nhan nhản những quảng cáo sai sự thật có sử dụng hình ảnh người nổi tiếng. Người nổi tiếng cứ nhận được đặt hàng là nhận lời đóng quảng cáo, mà lại là quảng cáo theo kiểu trải nghiệm sản phẩm, người dân cứ thế tin vào lời người nổi tiếng để mua sản phẩm. Trong khi người nổi tiếng thì đang không chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm.

Về mặt truyền thông, việc lựa chọn người nổi tiếng để giới thiệu sản phẩm là điều hết sức phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn thế giới, bởi họ có nhiều người hâm mộ, dễ dàng đưa sản phẩm đến gần hơn với người dùng. Tuy nhiên, cũng chính vì tin tưởng người nổi tiếng mà người tiêu dùng dễ bị dẫn dụ mua sản phẩm kém chất lượng nếu người nổi tiếng tiếp tay quảng cáo sai sự thật.

Một trong số nghệ sĩ bị  nhắc tên nhiều trong thời gian qua là nghệ sĩ Cát Tường. Nhiều sản phẩm nghệ sĩ này bị người tiêu dùng phản đối vì nói quá sự thật về công dụng, không đúng sự thật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng, nhất là khán giả hâm mộ. Đặc biệt clip quảng cáo sữa có thể dứt nhiều triệu chứng bệnh khiến khán giả phản ứng dữ dội.

 Các nghệ sĩ xuất hiện trong các video quảng cáo thuốc, thực phẩm chức năng không hiếm gặp (Trong ảnh: NSUT Chí Trung từng bị lên án thổi phồng công dụng TPCN như thuốc điều trị các bệnh về họng)

Trước phản ứng của dư luận, cuối năm 2023, Cát Tường đã phải chính thức lên tiếng xin lỗi về hành vi của mình và mong muốn khán giả tha lỗi cho những sai lầm này. Cô khẳng định, đây là bài học “nhớ đời” để cô cẩn trọng hơn trong việc giới thiệu sản phẩm đến công chúng, người tiêu dùng.

Trước đó, hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng như NSND Hồng Vân, nghệ sĩ Quyền Linh, diễn viên Vân Trang, Nam Thư, Diệu Nhi, ca sĩ Phương Mỹ Chi… cũng đã phải lên tiếng đính chính, xin lỗi khán giả về việc quảng cáo sai sự thật.

Bịt “lỗ hổng” cơ chế

Theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 60 - 80 triệu đồng. Nếu tái phạm sẽ bị xử lý hình sự về tội quảng cáo gian dối và bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm. Trong trường hợp áp dụng hình phạt chính thì người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, bị cấm hành nghề từ 1 - 5 năm.

Bên cạnh đó, Luật Quảng cáo năm 2012 còn có những cơ chế, chế tài, quy định kiểm soát về mặt nội dung, hình thức, để mỗi quảng cáo đến với người tiêu dùng đảm bảo được tính chính xác, trung thực theo đúng tính năng, chất lượng mà sản phẩm quảng cáo đưa ra. Đồng thời, quy định về quyền và trách nhiệm đối với các đối tượng tham gia quảng cáo. Cụ thể, Điều 19, Luật Quảng cáo năm 2012 quy định: “Nội dung quảng cáo phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiếp nhận quảng cáo”. Tuy nhiên, chưa quy định cụ thể quy trình xử lý người nổi tiếng tham gia quảng cáo sai sự thật, do đó các chế tài xử lý vi phạm trước đây chưa đủ sức răn đe.

Để ràng buộc trách nhiệm của nghệ sĩ trong quảng cáo sản phẩm, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đang phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng quy trình xử lý các nghệ sĩ vi phạm pháp luật, trong đó sẽ lập “danh sách đen” nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật, đồng thời Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo sửa đổi… nhằm góp phần giải quyết triệt để tình trạng nghệ sĩ quảng cáo bát nháo trên mạng xã hội.

Đưa nghệ sĩ vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo vào “danh sách đen” được nhiều người đồng tình. Khi nghệ sĩ vi phạm, tùy theo mức độ sẽ bị hạn chế biểu diễn, hạn chế phát sóng hình ảnh trên các đài phát thanh, truyền hình và môi trường mạng. Một khi bị “cấm” lên sóng, nghệ sĩ sẽ bị hạn chế môi trường hoạt động, đi cùng là giảm sút về danh tiếng cũng như quyền lợi.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XV, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, trong đó có những quy định mới nhằm siết chặt hoạt động quảng cáo của những người nổi tiếng. 

Trong tờ trình, dự án Luật đã quy định quyền, nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo và yêu cầu trách nhiệm của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo. Người chuyển tải có các trách nhiệm cung cấp tài liệu liên quan đến nội dung quảng cáo, doanh thu, tên sản phẩm, số lượng của từng sản phẩm phát sinh từ hoạt động quảng cáo định kỳ theo yêu cầu của cơ quan thuế hoặc khi cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu...

Các nghệ sĩ, người của công chúng, người hoạt động nghệ thuật có hành vi vi phạm pháp luật, thuần phong mỹ tục… có thể bị xử lý theo hướng hạn chế biểu diễn, phát sóng, quảng bá thông tin, hình ảnh, hoạt động của người vi phạm trên báo đài, không gian mạng. Khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên mạng xã hội phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Quảng cáo - như tên gọi, đã là “nói quá” sự thật lên một chút. Thế nhưng, với nghệ sĩ - những người kiếm tiền bằng uy tín của bản thân và tình yêu của khán giả, thì việc cẩn trọng trong lựa chọn sản phẩm để giới thiệu đến những người yêu mến mình phải được đặt lên hàng đầu. Đừng đánh đổi danh tiếng và trách nhiệm, chỉ vì  tiền!.

Hải Lâm

Tin cùng chuyên mục