Tôi đi, lầm lũi một mình thôi, nhằm hướng rừng xanh mà tới. Khoảng nửa buổi sáng thì tôi đến làng Bẩng, xã Công Đa quê hương của nhà thơ Mai Liễu cùng vài thằng bạn lính nữa nhưng chúng cũng về cuối trời mây trắng cả rồi. Để lòng khỏi trống vắng, vừa đi tôi vừa nhìn phong cảnh mây trời, đến làng Bẩng tôi ngước nhìn lên núi Đỏ rồi thả mắt ra đồng Eng. Không thấy đại ngàn nữa, không còn những cây nghiến, cây lim, cây đa... cổ thụ nữa. Ngọn núi nguệch ngoạc những vết lở, những lối xe kéo bới mặt đất đỏ au, tiếng chim cũng vắng bặt chỉ có gió hanh tung bụi dọc con đường bê tông đã nhiều chỗ lồi lõm ổ gà, ổ chó. Ngôi nhà của Mai Liễu làm ngày ông nghỉ hưu cũng hiện ra trước mặt ngay cạnh lối lên ngôi nhà cổ nơi ngày xưa ông sinh ra và lớn lên, giờ chú Tinh em út của Liễu kế thừa. Vừa đến chân cầu sàn thì Tinh ngó đầu ra, giọng ngỡ ngàng nhưng vui vẻ.
- Ôi! bác rơi từ trên giời xuống à.
- Giời đất gì đâu, anh xuyên rừng một chuyến cho thoải, vả cũng vào đấy thắp cho lão Liễu nén nhang, Tết sắp đến rồi!... tôi thở dài.
- Vâng, bác lên nhà uống nước đã. Vừa nói Tinh vừa bày ấm chén lên bàn. Cốc nước vối thơm mát cũng được rót đầy. Câu chuyện giữa hai anh em cũng rì rầm dưới mái sàn ấm ấp. Tinh bảo, nhà em đi làm, các cháu đi học, em từ ngày bị tai biến nhẹ, chỉ ở nhà cơm nước, chăm con lợn, con gà, vườn tược dông dài thôi, chả làm được việc nặng nhưng vẫn gắng làm những việc nhẹ, lao động nó cũng khỏe ra, cơ thể hoàn thiện dần bác ạ.
- Ờ, vậy là chú mày lạc quan đấy, không có bài thuốc nào bằng lạc quan và niềm tin vào cuộc sống của mình đâu.
- Vâng, em cũng nghĩ vậy nên luôn cố gắng. Ở nhà ngoài việc chăm nom con gà, con lợn em cũng rọ rạy trồng cây, gắng làm cho khu đồi sau nhà xanh lên gọi đại ngàn về. Ngày anh Liễu còn sống, mỗi lần về anh thường nhắc bọn em thế, nhưng nhà quê lại ở cái chốn thâm sơn cùng cốc này bí lắm. Muốn thoát ly mà chả thoát được nên phải ở thôi.
- Ờ, thoát hết thì ai ở đây, con người ta dù đi đâu cũng vẫn phải có nơi, có chốn để về chứ. Các chú chính là cái chỗ để cho người về đấy...
- Vâng, ngày anh Liễu còn sống mỗi lần ghé về anh cũng bảo em thế. Vậy mà! Tinh thở dài, giọng tự nhiên nghẹn lại. Khi nghỉ hưu, tự nhiên anh ấy về đùng đùng hô bọn em xả đất dựng ngôi nhà ngay lối vào ấy. Khi đó em ngăn, anh Liễu bảo: Anh cũng chả tranh phần đất ông cha làm gì, nhưng phải làm ngôi nhà nhỏ ở đây để khi chết về nằm, anh em nhà mình đông, về Hà Nội sao được, vả phận như anh thì cũng lấy đâu tiền mà mua đất chôn!... Thôi xin quê một chỗ yên nằm. Thế là anh em xúm vào, ngôi nhà được dựng lên khang trang, hôm khánh thành các bác cũng có mặt vui đáo để. Có ngôi nhà ngày nghỉ hưu tháng nào anh cũng về. Ai dày anh ấy lại đi nhanh quá. Mà quả thật lúc đưa linh cữu anh về đây em mới thấu những điều anh tính trước! Tinh lại thở dài!...
- Thôi! cuộc đời vô thường mà em, biết làm sao được. Chú xuống nhà mở cửa anh thắp cho lão ấy nén nhang. Hai anh em cùng lặng lẽ đứng dậy. Khi cửa mở ra, tôi bàng hoàng đứng lặng. Mọi kỷ vật vẫn nguyên vẹn. Những tập thơ của Mai Liễu lặng lẽ xếp trên bàn, bằng chứng nhận các giải thưởng, văn chương, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, huy hiệu 40 năm tuổi Đảng... treo trang trọng trên tường nhà. Bức ảnh chân dung Liễu vẫn nở nụ cười tươi rói. Tôi lặng lẽ thắp lên bàn thờ Liễu nén nhang rồi cúi đầu ba lạy. Việc xong, tôi ra sân ngắm nhìn hàng cây Liễu trồng trước cửa. Lại thấy cây Ca đưa, Cây dáy. Những loài cây dại này đã được Mai Liễu đưa vào thơ rất sinh động: Bên suối mặt trời mọc/Quả dáy chín đỏ/quả Ca Đưa chín vàng... Đặc biệt là cây Nghiến. Cây Nghiến thẳng tắp đã cao vượt đầu người, tỏa tán xanh tươi.
Tôi tần ngần bước lại vịn vào gốc cây, ngửa mặt nhìn lên, lòng đang chạnh nhớ chuyện gì thì chú Tinh ngậm ngùi.
- Cây Nghiến này anh Liễu trồng từ năm 2019. Năm sau thì anh mất! Khổ! Lúc anh ấy hỳ hục đào hố, bón phân em buột miệng bảo. Năm nay anh ngoài 70 rồi, trồng nghiến sao được thu hoạch. Anh chừng mắt rồi lại cười: Chú mày quên câu các cụ nói à: Trồng cây cho người hái quả chứ!. Rồi anh lại lầm lũi cho đất vào gốc cây.
- Ờ, chú mày nói anh mới nhớ. Cây nghiến này mang từ Sơn La về đấy. Đận ấy lão đi dự trại sáng tác, anh bạn cho, những 2 cây nhưng về đến nhà tớ, hai thằng say thuốc lào quềnh quàng làm vỡ bầu mất một cây, lão ấy lủng bủng suốt nhưng rồi lại tự an ủi: Thôi còn một cây cũng được, về trồng trước cửa ngôi nhà, cốt để làm kỷ niệm với quê vả cũng để cho các cháu lớn lên nó biết cây nghiến. Quê mình xưa là đại ngàn mà. Mai Liễu thở dài. Trong tiếng thở dài ấy lại kéo về trong ký ức tôi những kỷ niệm một thời xa ngái.
Chuyện cũng từ những năm chín mươi, ngày ấy chúng tôi cũng mới về công tác cùng nhau ở hội văn nghệ, Mai Liễu làm Tổng Biên tập báo Tân Trào. Hai anh em rủ nhau đi viết ký ở Tân Trào, mải mê việc, mặt trời tà mới ngược Ao Búc luồn rừng về quê Công Đa. Đêm ấy ngủ ở ngôi nhà sàn của Mai Liễu, rừng như tấm chăn to phủ xuống vừa huyền bí, vừa lạ lẫm, linh thiêng. Bao mùi vị của hoa trai cùng tiếng chim đêm cứ vẳng vào sương gió tràn ngập khắp đại ngàn.
Sáng dậy quanh nhà ríu rít tiếng chim, nắng tràn xuống đổ vàng lên những tán đa, tán lim, tán nghiến... sương lan rồi tràn ra mặt suối ngân lên tiếng róc rách ngàn năm của suối ngàn. Rừng thật là kỳ diệu! Có lẽ từ sự kỳ diệu của rừng đã thấm vào tâm trí, tạo ra một hồn thơ Mai Liễu với tập thơ đầu tay: Suối Làng Trong Trẻo giản dị mà nồng thắm. Tôi nghĩ vậy và thấy Mai Liễu rất yêu rừng và hiểu rừng, gắn bó với rừng...
Miên man với một miền ký ức, chợt tôi đảo nhìn ra đồng Eng rồi nhìn lên núi Đỏ, đại ngàn đã biến mất rồi, núi dọc ngang là những vết lở đỏ au, đồng Eng khô gầy, suối không còn róc rách nữa, quanh ngôi nhà sàn cổ cũng không rộn ràng tiếng chim như ngày xưa nữa!... Một vết buồn hằn hiện lên, tôi vịn vào gốc cây nghiến Mai Liễu trồng, nỗi nhớ Liễu, nhớ đại ngàn đầy lên. Đang bâng khuâng vơi đầy với bao chuyện mới cũ thì ông hàng xóm nhà Tinh đến. Thấy tôi đang vịn vào gốc cây nghiến, ngửa mặt nhìn lên vòm tán xanh đang tỏa bóng. Ông hàng xóm vui vẻ.
- Chắc bác ở phố vào.
- Tôi là bạn của Mai Liễu.
- Thảo nào bác cứ vịn vào gốc cây nghiến...
- Trưởng thôn nhà em đấy ạ. Tinh trịnh trọng giới thiệu. Tôi và trưởng thôn bắt tay nhau thân mật rồi lại cùng vịn vào cây nghiến. Bỗng giọng trưởng thôn ngậm ngùi.
- Mỗi lần đến ngôi nhà này bọn em lại nhớ bác
Mai Liễu, bác ấy ân tình với quê, đi công tác lập nghiệp tận Hà Nội mà vẫn nặng nghĩa với rừng. Ngày nghỉ hưu bác ấy về làm ngôi nhà ngay cạnh ngôi nhà cổ, lại thấy bác ấy mang cây nghiến về trồng ngay trước cửa nhà. Bọn em không tỏ đầu đuôi ra sao, cứ tưởng!... Đến ngày bác ấy tạ thế, linh cữu đưa từ Hà Nội về đây, cả làng tụ đến, mọi sự mới vỡ òa ra. Bọn em mới thấu câu nói của các cụ. “Cáo chết ba năm quay đầu về núi!” và càng tỏ thêm nỗi niềm của bác ấy. “Sinh ra ở đây, chết cũng phải về đây chứ...” chọn đời bác ấy là người của núi rừng, của đại ngàn thật. Thương tiếc bác ấy chúng em càng yêu quê hơn. Lại cây nghiến bác trồng cũng gợi cho chúng em những ý nghĩ lớn. Ấy là quê hương mình là núi, là rừng, núi rừng thì phải có cây cổ thụ thì mới có đại ngàn, có đại ngàn là có tất cả chứ chỉ trồng keo, bạch đàn thì làm gì có đại ngàn. keo, bạch đàn cũng phải trồng nhưng chỉ trồng ở vùng che phủ thôi bác ạ...
- Vậy là các chú đã hiểu được thâm ý của anh Liễu rồi. Mai Liễu là vậy, sống lầm lũi, cần cù, yêu thì cũng yêu đến cùng, ghét thì cũng ghét đến nơi nhưng chả thù hận ai cả. lão ấy đúng là người của rừng, thẳng như cây rừng và cũng bí hiểm như cây rừng...
- Vâng, đến lúc chả còn anh ấy bọn em mới vỡ nhẽ, cứ tưởng anh ấy chỉ lơ mơ với thơ phú, ai dày hàng ngày vẫn nhớ đến bọn em. Cây nghiến anh ấy trồng tự nói lên điều này. Anh ấy muốn chúng em và tất cả người Công Đa cùng trồng nghiến, trồng lim, trồng sến, táu để gọi về đại ngàn cho quê hương bác ạ... Câu chuyện tự nhiên rộn ràng lên dưới tán cây nghiến của Mai Liễu trồng đã cao vút đầu người.
Trưởng thôn cũng vịn vào cây nghiến rồi nói. Giá cả làng Bẩng cùng biết nghĩ như anh Liễu thì bây giờ nghiến xanh khắp núi, khắp rừng rồi bác ạ...
- Cũng đã muộn đâu, bây giờ các chú làm, cả làng cùng làm thì cũng chỉ vài năm nữa là bóng dáng đại ngàn sẽ hiện về...
- Vâng, chúng em sẽ làm, cả ba anh em cùng vịn tay vào cây nghiến của Liễu, ngửa mặt nhìn, cây nghiến đã cao vút mái nhà, tỏa một vòm xanh ngát giữa làng Bẩng.
Gửi phản hồi
In bài viết