Chuyện của Chạy!

Đó là tên thằng bạn thân của tôi, họ Trần tên Quang Chạy. Từ bé tới giờ, được gọi là thời bốn chấm không mà chưa khi nào thấy nó đi hay đứng hay ngồi yên. Hơi một tý là nhoắng lên, chưa đi đã chạy! Nháo nhào là nó! Hồi còn phổ thông, ở trong lớp, gần hết tiết học, cô chưa phát lệnh “các em nghỉ” thì nó đã nhào ra khỏi bàn. Cả lớp chợt cười ồ lên thì nhoáy một cái, nó đã tót về ghế ngồi nghệt mặt trước bàn trong khi mọi học sinh túa cả ra sân.  Nhìn nó lên xuống cầu thang mới chết cười. Chưa bao giờ tôi thấy nó đi khoan thai bình thản mà tuyền thấy chạy. Nó nhảy hai bậc cầu thang một lượt. Có lần tôi hỏi nó, có việc  gì quan trọng đâu sao mày phải nhảy phải chạy thế? Nó bảo “không biết”.  

Đến khi sắp lên đại học, chả hiểu nghĩ thế nào cu cậu tự ý lên phường lên quận, lên ban giám hiệu trường xin đổi tên trong giấy khai sinh, nhưng bạn bè thầy cô gia đình thì vẫn cứ một “Chạy”, hai “Chạy” mà réo. Cuối cùng nó phải thua, lại loay hoay mất cả mấy tuần lễ đi xin nhà chức trách cho phép mình trả tên mình về cho giấy tờ của mình. “Để cho yên”, nó nói với tôi vậy. Nhưng nào có được yên! Người ta bảo cái tên  ám vào tính cách con người, hay nói cách khác, tính cách con người tạo nên số phận.

Thằng bạn tôi sinh ra ở thành phố, lớn lên học hành toàn trường chuyên lớp chọn, đến khi đại học cha mẹ lo đủ tiền cho sang Úc, sang Anh học hẳn hoi, thế mà không hiểu sao cái tính cách lăng xăng ham việc của nó, cho đến lúc này, đã 40 tuổi xuân, đã nhiều lần làm việc ở nước Nhật, nước Hàn, hiện nay nó có công ăn việc làm ở một công ty đa quốc gia  nào đó lớn lắm của Mỹ, nghe nói lương cao chất ngất, nhưng mà đến “Tây” đến Nhật, đến Hàn cũng không ai hãm được.  

Nó mời tôi đi ăn mừng nó về nước, theo hợp đồng mới, khả năng chuyến này ổn. Chả biết ổn cái kiểu gì. Nhưng hy vọng thì tôi cũng hy vọng. Mừng cho nó tôi hấp hoảng đến nhà hàng. Hai thằng vừa ngồi vào bàn, nó đẩy cái quyển thực đơn cho tôi: “Mày gọi món đi”. Rồi anh chàng hạ ba lô, lấy cái lap tốp ra để bên cạnh, mở máy. Tôi chưa gọi xong món nó đã cầm điện thoại “A lô”. A lô liên tiếp mấy cuộc rồi liên hồi kỳ trận tiếng Tây tiếng ta. Nó nói với người vô hình trong máy. Vừa ngưng được một lát, chưa nói được câu nào với nhau, nó đã lại móc điện thoại ra nhoay nhoáy nhắn tin. Nhắn tin xong cái máy trong túi khác (nó có hai máy, vị chi bốn sim!) reo. Lại Alô. Vừa alo vừa thao tác máy láp tốp. Lại tiếng Tây, tiếng ta veo véo. Tôi cáu tiết bảo: “Mày có cho tao ăn không” - “Ăn đi, ăn đi!”, Nó vừa cầm điện thoại ư hử vừa cầm đũa, rồi lại bỏ đũa, bịt điện thoại quay ra: “Xin lỗi, tao có tý việc”. Rồi chừng như với tôi thế là đủ, nó lại áp máy vào tai, lại “A lô A lô”.

Tôi nản chí đi ra ngoài chừng vài phút thì quay lại. Nó đứng lên rồi chạy ra bảo tôi:

- Mày thông cảm, tao nhiều việc quá.

Tôi bảo, tắt máy đi có được không? Nó giãy nảy: Không! Tao đang có công chuyện với đối tác của công ty bên Sing, không rời máy ra được đâu, mày thông cảm.

Chưa ngồi lại vào bàn nó lại cầm máy “A lô”, tôi lại ngồi chờ. Uống một mình tới hai ly vang còn ly của nó vẫn nguyên xi. Đến nước này thì thôi, kệ xác mày, tao tọng mấy miếng cho xong rồi chuồn. Sống thế mà gọi là sống. Làm thế mà gọi là làm? Tôi là công chức cơ quan, cũng cỡ trưởng phòng. Sáng sáng 9 giờ đến nhiệm sở, việc đầu tiên là mở máy vi tính, coi thư, thấy không có ai hiện lên màn hình thì đọc báo, lướt Web, nếu trong phòng có chuyện gì cần thì làm, đa số nhân viên tôi làm, tôi tự cho phép mình thư thả. Thư thả đến chừng mười giờ hơn thì rời bàn, có bạn nhậu nào gọi thì đi, không ai gọi thì mình gọi chúng nó, ngồi đánh chén, món ăn rẻ tiền là cá chép om dưa, vừa nhậu được, vừa chén với bún được.

Vừa đánh chén vừa cà kê dê ngỗng chuyện đạo đức xã hội, chuyện quốc kế dân sinh, nghị trường, chứng khoán, lô đề, thời cuộc, sớm thì đến  2 giờ chiều, về cơ quan, loanh quanh phòng nọ ban kia trà lá, tán gẫu chừng 4 giờ thì về đón con. Hôm nào có bạn nhậu gọi thì a lô cho mẹ cháu đón, bảy tám chín mười giờ tối về, kềnh! Hôm sau lại thế. Nhìn thằng bạn học Tây về  ăn làm như vậy, hỏi ai sướng hơn ai? Tiền lương nó gấp mười lần tôi. Nhưng nếu làm kiểu nó, ăn kiểu nó thì bố cháu xin ngả mũ!

Thời bây giờ người ta hay bàn đến sống nhanh sống chậm. Tôi thấy sống nhanh như thằng Chạy thì quyết không đáng sống làm gì. Đời nó chỉ có công việc, công việc và công việc. Đầu tắt mặt tối với công việc, liệu rồi đến bao giờ mới lấy được vợ, mới sanh được con? Tiền chất đống trong ngân hàng, đến khi toi, liệu có mang theo được không? Chà chà bó tay chấm com. Bố cháu sống chậm đã thành nếp mấy chục năm nay, lương lậu nhàng nhàng, chức vụ nhàng nhàng. Tóm lại là sống chậm kiểu như tôi giờ cũng quen rồi, nhiều lúc thấy mình sướng. Con thì đa số vợ nuôi. Mình thì đa số nhà nước nuôi. Thời gian rỗi rãi thì đa số với bạn. Bạn nào cũng vui, ham tán chuyện trên giời dưới bể, đa số hay rượu. Rượu vào lời ra, phán xét đủ thứ. Cũng khối người khen sướng khen hay, sống và làm việc theo đúng pháp luật, còn cái gì phải phàn nàn không?

Cái thằng bạn tôi mấy tháng nay đi đâu tít bên Úc bên Anh, về đến sân bay cũng chợt nhớ ra thằng bạn cũ, alô một cái, tôi hỏi mày thế nào, nó bảo tao mới về, có chai rượu ngon đem về cho mày, nhưng bận quá không đem qua được. Tôi bảo ô kê, gì chứ rượu xách tay chú mày cứ mỗi chuyến đi về chịu khó xách, anh đến anh lấy. Chú mày bận việc cứ bận đi nhá. Đời còn dài, Chạy ạ. Mày cứ chạy đi, để anh ngồi thưởng thức cho.

Tôi cầm chai Chi-vát 18 và hai hộp sô-cô-la đem về tặng vợ con mà lòng phấn khích, ngẫm thấy thương thằng bạn quá. Ở đời, cái sướng cái khổ là do cái quan niệm của mỗi con người ta nó quy định. Thằng Chạy nó cho tôi rượu là nó sướng rồi. Tôi đem chai mười tám mời bạn rượu “xử”, tôi cũng sướng rơn. Các bạn rượu của tôi, chúng nó bảo, bác sướng thật. Sướng quá đi chứ, tôi nói. Miễn bàn!

Nhưng về nằm nghĩ lại, lại thấy có cái gì đó cứ như không phải. Cứ như mình đang mắc lỗi gì đó… mà tôi chịu, không nói ra được.

T.T.Đ

Tin cùng chuyên mục