Tập truyện gồm 10 truyện ngắn, với những nhân vật và câu chuyện phản ánh mâu thuẫn con người, cuộc sống. Điều nhân vật giữ lại là chính mình, khi bản thân không mất đi, mâu thuẫn sẽ được hóa giải, hiểu mình cũng là hiểu người.
Những nhân vật bắt gặp trong Cố định một đám mây là những người lao động bình thường, người lính dưới chế độ ngụy quyền, diễn viên đoàn hát rong, con người lưu lạc, người chuyển giới,… Những câu chuyện mang nhiều chi tiết quen thuộc trong cuộc sống.
Ở Những biển, biến cố mất tích của người chồng Nhị tại bãi tắm sau cuộc đi đòi nợ bất thành, anh chồng “đứa trẻ lớn xác” gây cho Nhị biết bao nhiêu phiền toái, chính anh ta tự tay đưa số tiền đáo nợ ngân hàng cho “gã thợ hồ vợ đẻ mẹ đau”. Nhị chịu đòn roi của cha dượng, câu mẹ quen thuộc nói “thấy chưa, đã nói rồi mà”. Tâm lý Nhị và cách cô bộc lộ cuối tác phẩm, yêu thương và được yêu thương.
Không đi ra ngoài những nhân vật người lao động và cuộc sống xung quanh họ, Cơn nước ngang qua cùng nỗi tuyệt vọng tưởng chừng bịt kín của Tam và vợ được kẻ xa lạ đột nhập vào căn nhà tiều tụy đánh thức lại. Đôi vợ chồng sống biệt lập vì những bất hạnh và tổn thương, một ngày họ bỗng thấy người đàn ông lạ mặt trong ngôi nhà, anh ta chữa lại vòi nước hỏng, thuộc từng vật dụng cũ kĩ ngôi nhà. Người vợ Tam, chị mặc bộ quần áo điểm bông đẹp nhất, liếc vào tấm gương mạng nhện chăng đầy, Tam rón rén bước ra ngoài sân khi không biết tiếng mưa đã ngừng hay chưa và “sợ cả con Mốc sẽ cất tiếng sủa”.
Cố định một đám mây là truyện ngắn nổi bật của cuốn sách, Ái và Biền sinh ra ở vùng đất mặn, nơi nối liền cửa sông và biển. Họ cắp lấy nhau trong khu nghĩa địa mỗi khi nhập nhoạng chiều. Như nhiều người, Ái quyết định tới nơi xa lạ mà họ mới chỉ xem qua ti vi. Biền tìm cách giữ cô gái nhưng bất thành. Sau cuộc ân ái ở nghĩa địa, vác chiếc va li đỏ của Ái, nhìn bàn tay chai sạn, Biền ngẫm nghĩ về câu nói “chỉ người chết mới ở lại mảnh đất này”, “một cách hết sức nghiêm túc”.
Mỗi truyện ngắn của cuốn sách mang đến nội dung, ý nghĩa khác nhau. Truyện không hoàn toàn dễ đọc và mang văn phong thường thấy ở Nguyễn Ngọc Tư trước kia. Cố định một đám mây hướng con người tới bản thể thật, giá trị thật, tốt đẹp và hướng về điều tốt đẹp.
Vẫn với chất văn ấy, Nguyễn Ngọc Tư với Cố định một đám mây, đọng lại mãi trong lòng câu hỏi: “Người ta có thể cố định được một đám mây không?”. Và nếu không thể, thì phận người trôi trên những trang viết này, có lẽ cũng lênh đênh và vô định như thế.
Gửi phản hồi
In bài viết