Chuyện về một bức tranh của họa sỹ Văn Làn

- Cố họa sỹ Văn Làn - nguyên hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam là lớp họa sỹ gạo cội của mỹ thuật xứ Tuyên. Bức tranh “Điện về bản” của ông vẽ bằng bột màu giản dị nhưng chứa đựng khao khát lớn lao của người họa sỹ, cũng như người dân Tuyên Quang mong chờ các bản làng đều có điện.

Qua mấy người giới thiệu tôi mới tìm đến được nhà họa sỹ Văn Làn ở số 39, tổ 10, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang). Ngôi nhà nhỏ thụt lùi vào ngõ mang dáng vẻ xưa. Bà Nguyễn Thị Thân, hơn 90 tuổi, đầu bạc trắng, vợ họa sỹ Văn Làn ra đón tôi. Bà bảo, đang ở cùng cậu con trai. Nhìn xung quanh nhà tôi thấy gia đình có treo một bức tranh hổ của họa sỹ Văn Làn ở phòng khách nên tò mò hỏi về các tác phẩm.

Bà Thân cho biết, nhà bà so với nền đường 17-8 thấp, những năm trước bị ngập lụt, nước dâng lên cả mái nhà. Nhiều tác phẩm tranh của họa sỹ Văn Làn bị nước làm hỏng. Một số bức gia đình giữ được thì cũng bán rẻ cho các nhà sưu tập dưới xuôi. Gia đình may giữ được vài bức làm kỷ niệm, giờ các con mang về nhà riêng như một món quà quý.

Bức tranh “Điện về bản” của họa sỹ Văn Làn.

Tôi hỏi bức tranh “Điện về bản” của họa sỹ Văn Làn giờ đang ở đâu? Bà Thân chia sẻ, trước kia ông nhà tôi chơi, quý nhà văn Trịnh Thanh Phong nên tặng ông Phong một bức làm kỷ niệm. Giờ ông Phong vẫn treo trang trọng trong nhà, gia đình tôi lấy làm vui lắm.
Đến nhà văn Trịnh Thanh Phong để tận mắt ngắm bức tranh, tôi thấy bức tranh vừa ngộ nghĩnh, giản dị, mộc mạc mà lại hóm hỉnh, sâu sắc. Nhà văn Trịnh Thanh Phong kể: Đận tôi chuyển gia đình từ dưới quê lên thành phố Tuyên Quang, mua căn hộ dưới cái hủm sau đồi Tỉnh ủy. Nghe tin, họa sỹ Văn Làn lạch cạch đạp xe đến thăm. Tuy lúc ấy rất khó nhưng vẫn có đầy hai chén nhâm nhi. Rượu làm gương mặt ông tươi đỏ, nom giống hệt sư phụ Văn Cao.

Rồi có lần tôi ra nhà họa sỹ Văn Làn chơi. Họa sỹ Văn Làn mân mê chén rượu trong lòng tay rồi đổi giọng rất nghiêm: Thích bức nào cứ chọn, tớ khuyến mại... Tôi chỉ vào bức “Điện về bản”. Ông cầm bút lông ký vào đó hai chữ: Văn Làn. Tôi ôm bức tranh về, treo lên gian tường giữa nhà mình và coi đây là tri ân, tri kỷ bởi những thông điệp từ bức tranh của ông cũng là khát khao của tôi mong cho quê mình có điện về.  Ai dè điều đó lại hóa thật.

Năm 2002, ngày ông lên đường về Tây Trúc cũng chính là những ngày ngành Điện lực bắt đầu khảo sát để đưa đường điện về quê tôi. Thế mới biết tính dự báo của văn nghệ thật là “thiêng’’. Ngày quê nhà bừng sáng ánh điện (2005) tôi về, anh em ngồi tròn dưới mâm cỗ đầy thịt rượu, trước mặt tôi lại hiện ra bức tranh: “Điện về bản”. Tôi cảm như mấy anh em tôi lẫn vào tranh ông vừa hư, vừa thật. Tranh của ông đa số vẽ bằng giấy dó và bột màu vì ông nghèo không có tiền mua toan, mua lụa. Giấy dó và bột màu ắt không để được lâu thật nhưng hồn cốt trong tranh ông ai dám bảo không có sức sống dài.

Theo con trai họa sỹ Văn Làn, bức tranh “Điện về bản” được họa sỹ Văn Làn sáng tác bằng bột màu vào khoảng thập kỷ 70. Những năm đó ước mơ có cái bóng điện treo giữa nhà thật là xa xỉ. Ngắm bức tranh thấy hai người đàn ông mặc áo dân tộc đang ngồi uống rượu bằng sừng trâu, bên cạnh là chum rượu và cái bàn ngỏ có đĩa cá, hai đôi đũa, hai cái bát. Phía sau hai người đàn ông nhìn như những tấm liếp đan bằng tre, bóng điện tròn sợi đốt, có chao treo ở chính giữa. Điện về bản có niềm vui nào bằng. Chỉ cần từng ấy nhân vật, chi tiết của họa sỹ Văn Làn cho người xem chiêm nghiệm chiều sâu, thông điệp của bức tranh.

Họa sỹ Văn Làn tên thật là Đặng Văn Làn vốn rất vui tính, hiền từ, đạo đức và luôn thủy chung cần mẫn với nghề nghiệp. Ông sinh năm 1928 tại Điềm Xá - Tiên Lữ - Hưng Yên, lấy Tuyên Quang là quê hương thứ hai của mình. Môi trường công tác với năng khiếu bẩm sinh đã dẫn chỉ ông đến với hội họa và dường như cả đời ông cũng chỉ làm có một việc duy nhất là vẽ. Ông vẽ say sưa như chính tình cảm, tấm lòng, trái tim ông với nghề, với quê hương đất nước. Trước kia ông từng làm ở ngành Văn hóa tỉnh, chuyên đi vẽ tranh cổ động. Sau này ở mảng sáng tác ông cho ra lò nhiều tác phẩm, làm nên tên tuổi Văn Làn. Chính vì thế năm 2012 ông đã được tỉnh đã trao giải thưởng Tân Trào đợt một.

Hiện nay hầu hết các thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, đặc biệt ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng cao đều có điện lưới quốc gia. Nhờ có điện mà bộ mặt đô thị, nông thôn thay đổi từng ngày. Ước mơ Điện về bản ở Tuyên Quang ngày nào của họa sỹ Văn Làn đã trở thành sự thật.

Quang Hòa

Tin cùng chuyên mục