Mùa về

Ngoài trời, những cơn mưa xuất hiện khiến cả Phiêng Kham lo lắng, con đập không biết có chịu đựng được cơn lũ đầu mùa đến nhanh hơn mọi năm. Đập mới đắp chưa được mấy ngày, giờ cơn lũ đến chắc không chịu được qua đêm. Người dân Phiêng Kham thở dài lo lắng, ông Sinh cũng thở dài.

Buổi sáng, khi trời còn chưa sáng rõ, ông Sinh đã đeo con dao quắm men theo bờ suối đi về phía con đập. Nước vẫn to lắm, những cây gỗ to mắc lại ở  hốc đá, thi thoảng ông còn nhìn thấy những hạt thóc vàng bên bờ suối, chắc là nương nhà ông Dàng mới tra lúa hôm qua, giờ bị mưa cuốn đi rồi, phải trồng lại thôi. Ông nhìn một lúc rồi tiếp tục men theo bờ suối đi về phía con đập. Xa xa, đã nghe tiếng nước lao xuống thác ở Vàng Loóng khiến bước chân ông nhanh hơn. Kia rồi, con đập mất mấy ngày công của cả bản giờ chỉ còn trơ lại những tảng đá lớn, đất đá bị nước cuốn trôi hết.

- Ông Sinh đi sớm thế?

- Ông Dàng cũng đi xem đập à!

Cả hai chỉ chào nhau rồi im lặng nhìn dòng nước cuốn đi từng cụm đất mà mấy hôm trước cả bản phải khiêng từ trên đồi xuống đắp. Chắc lần này phải mất thêm mấy ngày công nữa rồi. Mương nước giờ đã cạn dần, những con cá bị mắc cạn chỉ còn thoi thóp. Phía xa xa, có lác đác vài người trong bản đến xem. Chẳng mấy chốc, có hơn chục người ngồi bàn tán, ai cũng thở dài. Ruộng cả Phiêng Kham đều dùng nước ở con đập này, mùa lúa nào cả bản cũng mất mấy ngày công để sửa. Taluy dương giờ đã cao quá đầu người, nếu tiếp tục lấy đất ở đó sẽ bị lở nên mỗi lần đắp đập, cả bản phải khiêng đất từ chỗ khác. Vào mùa lũ, sau mỗi trận mưa, cả bản lại lo lắng không biết con đập có chịu được cơn lũ hay không.

Minh họa: Bích Ngọc

Cơn mưa vẫn chưa dứt, lũ trên thượng nguồn về nhanh quá, chỉ tại mấy năm nay Phiêng Kham phá rừng nhiều quá, không có rừng giữ nước trên thượng nguồn chảy dồn về. Những khi hết lũ, nếu không làm đắp lại, đám ruộng sẽ không có nước cho vụ mùa. Con đập giờ chỉ còn những tảng đá lớn trơ lại, đất hòa vào nước chảy đi. Nhìn mấy ngày công làm việc bị dòng nước cuốn trôi, người Phiêng Kham buồn lắm, có tiếng sụt sịt khóc giữa đám đông. Lũ trẻ thấy người lớn buồn cũng không muốn nhảy xuống tắm, không muốn đi câu cá như mọi lần. Ba ngày mưa liên tiếp, lũ trên thượng nguồn về dữ dội hơn, những khối đá cuối cùng xót lại cũng bị dòng nước dữ cuốn đi. Người Phiêng Kham chẳng ai buồn ra khỏi nhà, chẳng ai có khuôn mặt vui, chén rượu cũng đắng, tiếng khèn cũng không vui tai….

* * *

Ngày được thông báo của xã về quyết định xây đập, người Phiêng Kham vui như hội. Hôm khởi công, cả bản ra tận con dốc đón tốp thợ về. Bao nhiêu gánh nặng dường như được trút bỏ, bao nhiêu thứ việc phải lo mỗi mùa vụ giờ chẳng còn phải đau đầu nghĩ nữa. Vậy là năm nay, người Phiêng Kham không phải gùi từng cục đất, khiêng từng hộc đá nữa. Sức ấy để lại cho luống cày thêm sâu, cho tay cấy được thẳng…

 Mùa đông, những cơn gió lạnh không làm cho ông Sinh cảm thấy khó chịu, cả bản Phiêng Kham ai cũng vui, năm nay không ai phải mất mấy ngày công làm đập nữa khuôn mặt ai cũng sáng như đồi mơ mùa nở hoa. Buổi chiều, ông Sinh vác bó củi to men theo bờ suối, chốc chốc lại nhìn về hướng con đập. Mùa này suối đó cạn đi nhiều, những con cá nhỏ nép mình vào đám lá chẳng buồn kiếm ăn. Phía đó, từng tốp thợ xây đang khiêng những tấm bê tông kè đập, tiếng máy ủi, máy xúc át tiếng suối chảy. Trên đồi, đàn trâu tò mò tiến gần ngó nghiêng nhìn sự lạ. Hình như chúng cũng muốn đoán xem con đập bao lâu sẽ hoàn thành.

Ông Sinh đặt bó củi tựa vào bờ ruộng rồi tiến về con đập đang xây dở. Hôm nào ông cũng ra đây một lần rồi mới về nhà khi lũ gà đã lên chuồng. Có tối, ông còn mang rượu ngon ra lán ngồi chơi cùng mọi người trong đội thợ xây. Rượu chẳng uống bao nhiêu nhưng mỗi khi vui ông muốn nhấp mấy chén. Khi mặt đỏ gay, đôi mắt lim dim là lúc ông kể chuyện cho đội thợ nghe về những chuyến đi săn, những lần đi hát Páo dung thâu đêm, lâu lâu lại nhấp ít rượu. Có những hôm ông Sinh rủ cả ông Dàng đi theo, cả hai ngồi hát Páo dung, thổi khèn. Tiếng khèn, tiếng hát hòa cùng tiếng róc rách của tiếng suối vang khắp Phiêng Kham. Đội thợ xây im lặng, cả bản Phiêng Kham im lặng nghe.

Mỗi lần thợ xây vào trong bản chơi đều được dân bản mời ở lại chơi, khi về còn được biếu con gà, con thú rừng bẫy được. Phiêng Kham quý lắm, thợ xây cũng hăng hái làm việc cho con đập thật tốt, thật đẹp để Phiêng Kham bớt khổ, để mùa lúa này Phiêng Kham không phải lo nước cho vụ xuân nữa. Con đập vững chắc dần hiện ra. Ngày con đập xây xong, cả bản Phiêng Kham sẽ góp rượu ăn mừng, ai cũng vui, cũng say như ngày hội.

Cánh đồng lúa chín Thượng Lâm (Lâm Bình) với  những ngọn núi đá vôi bao quanh tuyệt đẹp.

Mọi người cùng nhau nói chuyện vui, nói về những ngày khiêng đất, khiêng đá về đắp đập, về những mùa cạn không đủ nước làm ruộng. Giờ đây khi con đập hoàn thành, sẽ không ai phải lo những khi lũ về như trước nữa. Chỉ vài năm nữa thôi, khi những cánh rừng trồng trên thượng nguồn đủ lớn, đủ sức giữ nước mưa. Khi đó nước về sẽ đều đặn, ruộng Phiêng Kham sẽ đủ nước quanh năm, cả bản sẽ hết đói, hết khổ. Mọi người vui lắm, ông Sinh cũng vui. Trong đám đông có tiếng nói lớn:

- Ông Sinh thổi một bài khèn đi!

- Đúng rồi! Có mang theo khèn không?

- Thằng Lùng lấy cho ông Sinh chén rượu lớn!

Rồi mọi người nhìn vào ông, tất cả đều mê tiếng khèn của ông. Mọi người im lặng khi tiếng “tò…ò ò.. tò te te” vang lớn. Ông thổi bài

“Xuân về”, ai cũng say theo tiếng khèn, lửa cũng cháy mạnh hơn, những cơn gió se lạnh của mùa xuân mang tiếng “tò” đi khắp núi, khắp rừng.

Sáng hôm sau, cả bản tập trung tại con đập. Khi 2 người thợ xây khiêng tấm bê tông chắn đập, dòng nước chảy theo mương hướng về phía cánh đồng Phiêng Kham. Lũ trẻ vui mừng chạy đua cùng dòng nước, ông sinh chắp tay đi chậm rãi dọc con mương. Dòng nước dường như cũng reo vui, từng tốp người đi theo sau ông Sinh hướng về cánh đồng. Những thửa ruộng nứt nẻ giờ đã có nước về.

- Chiều nay tao phải tìm trâu về cày ruộng nhà thôi.

- Năm nay không phải đắp đập nữa, cày sớm để chuẩn bị đón nắng nữa chứ.

Mọi người nán lại đến khi những ánh nắng chiếu khắp cánh đồng mới về. Khuôn mặt ai cũng vui hệt như hoa mơ trắng trên những ngọn đồi xa.

Năm nay, Phiêng Kham sẽ được mùa lắm.

Truyện ngắn: Triệu Hoàng Giang

Tin cùng chuyên mục