Những khúc hát về người thợ điện

- Nhìn vào công việc của ngành điện, ai cũng cảm thấy sự khô khan, chỉ toàn máy biến áp, đường dây, cột bê tông sừng sững... Ấy vậy mà trong chính công việc ấy, lại có nhiều nhạc phẩm ra đời.

Với giai điệu hùng tráng, kết hợp những điệp khúc trữ tình, gần gũi - ca khúc Bản tình ca ngành Điện của nhạc sỹ Đào Hữu Thi đã mang đến cho người nghe những xúc cảm, niềm tự hào về ngành Điện, những người thắp sáng niềm tin trên mọi miền Tổ quốc. Từ nhiều năm qua, ca khúc được bình chọn là bài ca truyền thống của ngành Điện Việt Nam.

Với nhịp điệu 2/4, giai điệu hùng tráng, tiết tấu nhanh, âm vang dồn dập kết hợp với những điệp khúc rất trữ tình, gần gũi, Bản tình ca ngành Điện đã khiến người nghe xao xuyến. Lời ca khúc kết hợp với những nốt nhạc trầm bổng, du dương như đang tâm tình, tự sự, đi vào lòng người một cách tự nhiên, đầy cảm xúc. “Điện bừng lên, ánh sáng soi ngày từng ngày ước mơ, mang ánh sáng cho đời. Trong lao động niềm vui sao người thợ. Giọt mồ hôi trên những công trình”...

 

Cuộc sống, công việc, tinh thần và ý chí nỗ lực của các thế hệ làm điện được tái hiện qua những ca từ một cách nên thơ và rất giản dị, gần gũi. Cách ví von “như chàng trai Phù Đổng” hay “như đường dây mạch máu chảy trong tim” là thủ pháp tài tình, khắc họa rõ nét về công việc, con người, trái tim người thợ điện, giúp người nghe liên tưởng đến sự phát triển, lớn mạnh của ngành Điện lực Việt Nam: “Điện bừng lên, ánh sáng soi ngày từng ngày ước mơ/Mang ánh sáng cho đời/Trong lao động niềm vui sao người thợ/Giọt mồ hôi trên những công trình/Ôi! niềm tin sáng trong ta như chàng trai Phù Đổng đang vươn mình/Như tình yêu rực cháy/Như đường dây mạch máu chảy trong tim”.

Một nhạc phẩm đi cùng năm tháng gắn với tên tuổi của nhạc sỹ Đức Liên và nhà thơ Ngọc Hiệp đó là Điện về bản em. Nhạc phẩm nhanh chóng được công chúng đón nhận bởi ngôn từ trong sáng, gần gũi với đồng bào dân tộc: “Bản làng em cao lưng chừng núi/Leo lét đêm khuya ngọn đèn dầu/Bản làng em cao lưng chừng núi/Bốn mùa mây giăng sương mắc núi”.  

Mở đầu ca khúc là lời giới thiệu ngắn gọn cuộc sống khó khăn vất vả khi bản làng chưa có điện. Và khi có điện cuộc sống người dân đổi mới, rộn ràng vui tươi. Tác giả sử dụng ca từ đúng với cách cảm cách nghĩ giản đơn chân thực của người miền núi: “Bây giờ rừng xanh thêm cây mới/Cây xi măng đứng giữa rừng xanh/Như có cung đàn dây trầm dây bổng...”.

Câu hát ví von điện về với hình tượng gần gũi “cây xi măng”, “chùm hoa núi”, “Cung đàn dây trầm dây bổng”... Với ca từ giàu hình ảnh kết hợp với giai điệu mang âm hưởng miền núi tạo nên một nhạc phẩm chỉ một lần nghe là không thể nào quên được.

Cảm xúc đó cũng được nhạc sỹ Tạ Quang Tố gửi gắm vào ca khúc Bài ca ánh sáng. Nhạc sỹ từng chia sẻ, bài hát đó là bắt nguồn từ trải nghiệm của người trong cuộc khi chứng kiến cuộc chuyển giao giữa đèn dầu - ánh điện. Lần đầu tiên thấy người ta mắc dây điện về thôn, ánh sáng ở bóng điện tỏa sáng lạ lùng lắm, kỳ diệu vô cùng! Bà con ngắm ánh điện sáng mà ngỡ trong mơ. Nhạc sỹ liên tưởng, ánh điện là bài ca ngân nga trong lòng mỗi người và anh thợ điện chính là người nghệ sỹ: “Nếu dòng điện sáng hóa thành bài ca/Anh thợ điện ơi, anh sẽ là nghệ sỹ/Hãy lên dây cung đàn thời đại/Hát khúc ca trong muôn ngàn tia sáng/Ánh sáng sẽ xua đi nghèo nàn tăm tối...”.

Với nhạc sỹ Tạ Quang Tố, viết về ngành Điện không quá cầu kỳ và trau chuốt, nhưng ca từ, giai điệu phải phản ánh chân thật cuộc sống, công việc của người “chiến sỹ” thợ điện. Và chính những trải nghiệm thực tế ông đã tạo ra những giai điệu dạt dào tình cảm trong ca khúc.

Điện không chỉ là “mạch máu” của nền kinh tế, mà còn là ánh sáng của niềm tin, hy vọng, là một phần tất yếu không thể thiếu của cuộc sống. Ít có ngành nghề nào lại có nhiều sáng tác, nhiều cảm hứng như điện lực. Nhiều bài hát đi theo năm tháng như Điện lực Việt Nam ta tự hào, Hành khúc người thợ điện của Vũ Tiến Dũng, Tình yêu dòng điện sáng tác Trần Quốc Điền, Ánh điện, ánh sáng văn minh của nhạc sỹ Duy Quang… Các nhạc phẩm cổ vũ tinh thần lao động sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, công nhân ngành Điện, hòa vào bức tranh đa sắc màu của âm nhạc Việt Nam.

Giang Lam

Tin cùng chuyên mục