Vỏn vẹn 2 phút kể từ khi đăng thông báo mở bán bản đặc biệt của cuốn tiểu thuyết Những ngôi sao Eger trên trang fanpage Facebook, 100 bản sách có mức giá 1 triệu đồng/cuốn của Công ty sách Đông A đã được bán hết, để lại dư âm tiếc nuối cho nhiều bạn đọc đến chậm. Đây không phải là cuốn sách đầu tiên Đông A làm bản đặc biệt. Trước đó, đã có các cuốn như Anh em nhà Karamazov, Kiêu hãnh và định kiến. Bản đặc biệt của Đông A, mỗi tựa chỉ có 100 bản, được đánh số từ ĐA-01 đến ĐA-100. Sách được làm bìa cứng bọc da, thực hiện thủ công, ruột in màu trên giấy tốt, có chữ ký của dịch giả và nghệ nhân đóng sách cùng dấu đỏ Đông A.
Sự ra đời của 3 ấn phẩm bản đặc biệt này đã thu hút đông đảo bạn đọc. Theo chị Hoài An, đại diện truyền thông của Đông A, trong số đặt mua phiên bản giới hạn có rất nhiều khách hàng 9x. Sự thành công ban đầu đã giúp Đông A quyết định mở tủ sách Special edition (phiên bản đặc biệt) với các bản tiếp theo như Bố già, Hán Sở diễn nghĩa...
Bản đặc biệt nên giá cũng đặc biệt - gấp nhiều lần so với bản phổ thông, nhưng vẫn hút khách. Nếu cách làm của Đông A là định giá khung cho bản đặc biệt thì Thái Hà Books lại tổ chức đấu giá. Hai độc bản sách đặc biệt của cuốn Nghệ thuật và nghệ nhân vùng Kinh thành Huế được tạo hình bằng nghệ thuật Trúc Chỉ (nghệ thuật giấy được làm từ tre của người Việt), sau khi đấu giá đã được bán với giá 21 triệu đồng cho bản Long mã và 33 triệu cho bản Phụng.
Trước sự ủng hộ nhiệt tình của độc giả, nhiều đơn vị bắt đầu tham gia cuộc chơi với nhiều ý tưởng khác nhau. Như 500 bản đặc biệt cuốn Hà Nội quán xá phố phường đã được thương hiệu Sống phát hành ở dạng bìa cứng có chữ ký của tác giả Uông Triều và tranh Pop-up mô hình Hà Nội.
Những con đường tơ lụa được Phanbook phát hành 100 bản bìa cứng. Cuốn Nhụy khúc của Tao Đàn được phát hành 100 bản bìa cứng, có đánh số, có chữ ký của tác giả ghi kèm tên người sở hữu, có triện son của Tao Đàn. Tri thức trẻ books đang giới thiệu bản giới hạn của cuốn Tiêu sơn tráng sĩ, ngoài bìa cứng, triện tên sách, chữ ký của họa sĩ, thì độc giả còn nhận kèm một chiếc quạt Tiêu Sơn tráng sĩ được gia công bởi các nghệ nhân làng nghề quạt giấy Chàng Sơn.
Đáng chú ý là dù có giá cao nhưng các bản sách đặc biệt thường bán hết trong thời gian rất ngắn. Trên nhiều fanpage mở bán bản đặc biệt, dù sách đã bán hết nhưng vẫn thấy nhiều độc giả đặt mua, thậm chí đề nghị đơn vị làm sách tăng số lượng bản đặc biệt ở những lần tái bản sau. Bản đặc biệt của Nhã Nam đang “làm mưa làm gió” nhiều ngày trở lại đây cũng vậy. Phiên bản bìa da PU cao cấp cho 15 cuốn trong bộ sách Việt Nam Danh tác khiến nhiều bạn đọc “ôm tim” hồi hộp xếp hàng đặt mua...
Song, bộ sách đặc biệt của Nhã Nam vừa mới chào đời đã lộ ra bất cập trong cách thức phát hành. “Trong suy nghĩ của tôi, sách là niềm vui thôi. Thứ gì đó để đọc, đôi khi vui vui vì sở hữu ấn bản nào đó hiếm hoi là tốt rồi”, anh Nguyễn Tuấn Bình, một người vì yêu quý sách mà trở thành đại lý sách trên mạng xã hội mới đây đã “than thở” ở trang Facebook cá nhân, khi “cả ngày nay tôi chỉ nhìn thấy hàng loạt tin rao bán sách”. Có lẽ, mong muốn chia sẻ tới càng nhiều bạn yêu sách càng tốt của anh Bình đã bị hiện thực “đầu cơ” chặn lại, khiến tâm trạng “tụt dốc”, cảm thấy “áp lực và không vui vẻ gì”. Đó cũng là cảm giác chung của rất nhiều người yêu quý sách thực sự, mong muốn sở hữu cuốn sách yêu thích để làm kỷ niệm hay để sưu tầm, thay vì sách vừa phát hành đã được rao bán sang tay với những mức giá gấp nhiều lần.
Cuộc chơi của bản đặc biệt sẽ bớt đẹp khi đam mê sưu tầm sách, thú chơi sách bị lợi dụng. Sách quý ở người đọc, người sử dụng và trân trọng chứ không phải nhờ đẹp, đắt tiền, chỉ để trưng bày trong tủ. Hãy để bản đặc biệt thực sự đặc biệt nhờ tình yêu sách, chứ không phải bằng toan tính đầu cơ và mức giá “trên trời”. Điều này đòi hỏi các đơn vị làm sách cần có cách phát hành hợp lý để sách đến được với những người thực sự cần, thực sự trân trọng.
Gửi phản hồi
In bài viết