Con nhà nghèo nhưng tính chị đỏng đảnh. Ngay từ nhỏ chị đã là đứa con gái điệu nhất xóm nghèo. Những đứa trẻ quê thường nhem nhuốc đen gầy, ấy vậy mà chị lúc nào cũng như con nhà trên thành phố. Chị có những cái váy được cô bác nhà khá giả trong họ cho, mẹ chị khéo léo tân trang bằng những cánh hoa rực rỡ đính vào, đó là những vải thừa nơi hiệu may trên thị xã mẹ chị nhặt về rồi tỉ mẩn hằng đêm khâu khâu, đính đính.
Có lần, chị ỉ ôi với mẹ rằng toàn mặc đồ cũ, chị đòi mẹ mua cho cái váy thật mới để mặc. Mẹ chị bảo, nhà mình nghèo ăn còn chẳng đủ thì lấy tiền đâu mua váy mới. Thế là chị vùng vằng, giận hờn rồi thét lên nói mẹ không thương con… Người mẹ vốn có lòng thương con vô bờ ấy nào có muốn thế đâu, nhưng cái hoàn cảnh khó khăn đã làm bà nhói lòng muốn khóc. Thế là bà phải bán con gà mái mơ đang đẻ trứng để mua cho con gái một chiếc váy hoa màu hồng thật đẹp. Kể từ ấy chị lại thấy mình như một tiểu thư xinh xắn nơi xóm nghèo ở vùng quê này.
Khác với chị, đứa em trai lại là một thằng bé đen nhẻm, chạy nhảy suốt ngày. Nó là một đứa trẻ nghịch ngợm. Mẹ chị suốt ngày phải quát mắng mà nó không bao giờ chịu ở yên một chỗ lấy nửa ngày. Thằng bé rất hay bị mẹ đánh đòn vì những trò nghịch tai hại của nó. Những lúc bị đòn roi thì nó hứa hẹn rất tử tế, nhưng sau đó thì lại đâu vào đấy. Thằng bé ấy nghịch ngợm vậy thôi nhưng mà thương mẹ, nó hết chăn trâu cắt cỏ lại để ý giúp mẹ những việc vất vả, tuy là sức trẻ con nhưng nhìn những việc nó làm, bà con láng giềng ai cũng phải khen.
Minh họa: Bích Ngọc
Mẹ chị vẫn vậy, vẫn không muốn cho các con mó tay vào công việc, bà bảo các con cứ chăm lo vào việc học, học tốt là mẹ vui. Thằng em trai chị vẫn thường tự làm đỡ mẹ việc nhà những khi bà bận làm đồng. Nó bảo để mẹ làm thì vất vả quá. Những khi đi chăn trâu lúc nào nó cũng mang về nhà khi bó củi, lúc tải cỏ đầy, mặt mày hớn hở.
Học xong cấp 3, chị thi đỗ vào một trường trung cấp. Chị hào hứng nhập trường rồi hào hứng thông báo với mẹ những khoản phải đóng góp. Chị cũng hào hứng bảo mẹ luôn những dự định mua sắm của mình. Thương con, nhưng tất nhiên bà nhận thấy những món chi tiêu không hợp lý của con mình. Bà bảo, mình con nhà quê phải chi tiêu cho có chừng có mực, nhà mình nghèo con phải khéo để mẹ đỡ lo, đỡ vất vả. Và tất nhiên là chị buồn bực, chị cáu giận và chị lại hét lên.
Những tháng ngày đi học trung cấp của chị không được lâu. Cái thói học đòi, ăn chơi chẳng lo học hành của chị cuối cùng cũng đã đưa chị về lại nơi quê nghèo nơi chị đã sinh ra. Về nhà, chị chẳng muốn đụng tay vào việc nhà nông. Hồi nhỏ, cũng có vài lần theo mẹ đi cấy, nhưng rốt cuộc cũng chỉ làm vướng chân mẹ. Thế là ngúng nguẩy đi về. Thực ra, chị cũng chỉ muốn làm như thế để mẹ đuổi cổ về cho hợp lý, chứ đi cấy bẩn từ đầu đến chân, chị chịu sao nổi. Thế là những lần mẹ đi làm gì chị cũng nói với theo một câu: “Mẹ để con làm cho” như cho đủ thủ tục.
Có lần, mẹ chị bị đau tay, bà nghiến răng ngồi thái cây chuối cho gà nơi góc sân, đi chơi về thấy thế chị lại bảo: “Mẹ để đấy tí nữa con làm cho”. Mẹ chị không nói gì, bà còn lạ gì tính con gái mình, nó mà mó tay vào chỉ tổ bà phải làm lại. Thằng em trai chị đang học bài trong nhà nghe thấy vội chạy ra nói đầy vẻ bực tức: “Chị lần nào cũng thế, lần nào cũng để đấy con làm cho. Đợi chị làm có mà Tết năm sau chị cũng chưa động tay vào”. Nó tiến lại chỗ mẹ giằng ngay lấy con dao, bảo: “Mẹ để đấy con làm cho ạ”. Đấy, tính nó thế đã làm gì là làm thật chứ không nói để đấy. Người mẹ biết tính con nên đứng nhìn một lúc rồi lặng lẽ đi vào nhà.
***
Chị lấy chồng, lấy một anh chàng con nhà khá giả trong làng. Ai cũng bảo số chị may mắn khi làm dâu nhà ấy. May ư, chị chẳng nghĩ thế, chị là người có nhan sắc, mà xưa nay người con gái đẹp thì phải vào nhà danh giá chứ đâu chịu cảnh nghèo hèn. Chị là con gái đẹp chị có quyền được hưởng những điều ấy!
Chị về bên nhà chồng được vài năm thì nhà chồng chị phất lên như diều gặp gió. Bây giờ kinh tế nông thôn ngày càng phát triển, nhà nhà đua nhau xây nhà, lát sân, sửa sang đủ thứ, thế là cái anh cai thầu chồng chị cứ bộn việc, mà bộn việc là bộn tiền. Chị càng ngày càng trắng trẻo, xinh đẹp lên, đúng là con người số sướng thì lại càng sướng. Chị nhàn rỗi lắm, ngày ngày chỉ ba bữa nấu nướng cho gia đình, con nhỏ thì mẹ chồng ôm cả ngày lẫn đêm, chị có khác gì gái còn son rỗi. Ấy thế mà chị chẳng ngó ngàng gì tới nhà mẹ đẻ, cho dù chẳng cách xa là mấy. Những thời gian nhàn rỗi, chị mải đi làm đẹp, chị làm tóc, chị chăm sóc da, chị sơn móng tay… Họa hoằn có sang nhà mẹ đẻ chị chỉ tha thướt váy áo đi qua đi lại trong khi mẹ chị tất bật với nái lợn và đàn lợn con suốt ngày kêu eng éc.
- Mẹ để đấy con làm cho - Chị ngồi vắt chân trên ghế nói khi liếc thấy mẹ vác cuốc trồng rau.
- Thôi, con cứ ngồi đó chơi. Lâu không mó vào việc nặng có khi lại phồng cả tay lên.
Mẹ chị vẫn thế, vẫn cái suy nghĩ lo cho con, thương con, ngay cả khi nó đang sướng như tiên. Bà nghĩ, cái thân mình vốn đã khổ quen rồi, cái khổ sẵn rồi, con cái nó sướng thì mừng cho nó. Cuộc đời có ai biết được ra sao, sướng đấy mà biết đâu lúc nào đó xa cơ lỡ vận thì sao. Số con gái nó sướng thì cứ để yên cho nó sướng, hộ hành mình thì được mấy buổi mà mó tay vào cho mệt. Đấy, mẹ chị lúc nào cũng một dạ vì con cái, tình thương người mẹ là vô điều kiện chứ đâu có so đo tính toán gì. Còn chị, thực lòng cái câu nói của chị chỉ thốt ra theo thói quen.
Từ nhỏ đến giờ có bao giờ mẹ chỉ ngừng tay đồng ý cho chị làm thay việc gì đâu. Chị cho đó là điều mà nghiễm nhiên chị được hưởng. Cái câu nói “mẹ để đấy con làm cho” như là cái hình thức mở đầu mà chị cho là sự quan tâm của mình với mẹ. Chị cũng quan tâm đến mẹ, rõ ràng chị đang muốn làm giúp mẹ cơ mà, chỉ là do mẹ không cho chị làm đấy thôi. Thế là những lần sang nhà mẹ đẻ chị cũng chẳng lần nào đỡ đần được việc gì, chỉ ngồi chơi, lúc về lần nào cũng mang rau, quả hay một thứ gì đó về nhà mình.
Dạo này thằng em trai chị hay gọi điện về nhà bảo chị sang thăm mẹ, mẹ bây giờ già yếu hơn rồi. Cái thằng cũng đến là chịu khó, học hành lại giỏi giang, một mình nó vừa học đại học vừa lo làm thêm trang trải tiền phòng, tiền học. Tính ra mẹ chị chỉ phải chu cấp cho nó một năm đầu tiên, sau đó nó bảo mẹ không phải gửi tiền lên, tiền mẹ làm được cứ để lo dưỡng già. Mẹ chị không yên tâm thì nó nửa đùa nửa thật rằng, tiền đó mẹ cứ chăm lo sức khỏe, còn đâu sau này còn lo cưới vợ cho con.
Thằng bé tính vốn thương mẹ, lo cho mẹ từng tí một, kể từ khi xa nhà lên thành phố học nó lại càng quan tâm hơn nữa. Những lần thằng bé gọi về dặn dò chị, chị cũng không mấy quan tâm, chỉ hờ hững à ừ cho qua chuyện. Thực ra chị nghĩ cái thằng chỉ quan trọng hóa vấn đề rồi làm quá lên thôi chứ mẹ chị đâu đã già yếu mấy đâu.
Thế rồi chị cũng sang thăm nhà mẹ đẻ, sau khi nghe điện thoại của em trai và cũng vì tự dưng thấy lòng bất an. Mở cửa vào nhà không thấy mẹ, chị hốt hoảng gọi toáng lên vẫn không thấy ai trả lời. Vòng ra sau nhà thấy mẹ đang ngồi bệt bên chuồng lợn một tay ôm đầu, một tay vịn vào thành chuồng lợn mà chị thấy tim mình đập loạn lên.
- Mẹ! Mẹ làm sao thế?
Chị vội dìu mẹ vào nhà để bà ngồi lên ghế.
- Mẹ không sao đâu, chỉ hơi choáng chút thôi. Đưa cho mẹ hộp thuốc tuần hoàn não trên chốc tủ kia. - Mẹ chị thều thào.
Chị với tay lấy hộp thuốc, chợt giật mình nhớ ra lời dặn của em trai: “Mẹ bây giờ yếu hơn rồi, chị phải thường xuyên thăm nom giúp em”. Thì ra mẹ chị gần đây bị rối loạn tuần hoàn não, thiếu máu não nên hay bị choáng. Thằng em trai đã thường xuyên mua thuốc gửi về nhà cho mẹ mà chị không hề hay biết. Cũng có thể đã có lần chị loáng thoáng nghe mẹ kể nhưng chị không mấy để tâm. Chị thầm trách mình, thấy mình vô tâm, lần đầu tiên ý nghĩ ấy hiện lên trong đầu của chị.
- Con cứ để mẹ nằm một lúc là khỏi ngay thôi. Sáng nay vội làm mà mẹ quên uống thuốc đấy mà. Cái bệnh tuổi già nên như thế này không có gì là lạ con ạ. Lúc nữa đỡ mẹ lại băm cây chuối cho gà bình thường ấy mà.
- Thôi, mẹ để đấy con làm cho.
Câu nói lại vang lên tự nhiên đến mức chị bỗng giật mình ngỡ ngàng. Trời ơi! Nó như là mặc định cho sự quan tâm của chị đối với mẹ. Bấy lâu chị nghĩ rằng chỉ bằng câu nói ấy thôi đã là sự quan tâm rồi, bởi chỉ nghe câu nói ấy người ta có thể hiểu rằng chị lúc nào cũng sẵn sàng đỡ đần cho mẹ. Chỉ câu nói ấy thôi là mẹ đã thỏa mãn mà nghĩ rằng mẹ có đứa con hiếu thuận biết quan tâm và chăm lo cho mình.
Nhưng, thử nhìn lại mà xem, chị đã làm được những gì cho mẹ, hay chị chỉ nói suông rồi lại mải mê ngắm nghía chỉnh trang bộ móng tay mới sơn đúng mốt? Chị chỉ nói thế thôi chứ cũng lo nhỡ mẹ đồng ý để cho chị làm thì cái bộ váy điệu đà của chị sẽ bị lấm bẩn thì trông sẽ ra sao? Chao ôi! Có những câu nói khi ta mới nghe cứ ngỡ rằng nó phát ra từ tấm lòng yêu thương, vậy nhưng sự thật thì câu nói ấy chỉ là một sự vô tâm và giả dối. Bấy lâu nay chị đã làm được những gì cho mẹ?
***
Bệnh viện đã quá nửa đêm nhưng hầu như không hề yên tĩnh. Thi thoảng vẳng đến tai chị là những tiếng nói của bác sĩ, tiếng lách cách của dụng cụ y tế, tiếng xe kéo chở bệnh nhân, tiếng bước chân người… Tay chị vẫn không rời tay mẹ. Người mẹ một đời vất vả bây giờ đang nằm im lìm trên giường bệnh, chứng tai biến đã làm mẹ nằm liệt giường. Mẹ vẫn nhận biết được lời nói xung quanh nhưng toàn thân bất động. Từ lúc vào đây chăm mẹ, chị hầu như chỉ biết khóc và ngồi nắm chặt bàn tay nhăn nheo, lòng hoang mang và đau đớn. Mặc cho em trai và chồng lo thuốc thang và thủ tục thì chị chỉ biết ngồi lặng im. “Mẹ ơi, để đấy con làm cho...” -
Câu nói vang lên trong đầu chị như những hôm nào làm tim chị buốt nhói. Mẹ ơi! Bây giờ con có thể làm gì cho mẹ đây, có thể chăm sóc mẹ thế nào để bù lại cả quãng thời gian mà con đã vô tâm? Chị ao ước giá đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc mơ.
Chị nắm chặt thêm bàn tay mẹ, giờ này nằm im lìm bất động. Nước mắt chị không ngừng chảy, nước mắt thấm ướt quá khứ, thấm ướt bàn tay mẹ. Xưa nay, vẫn là cậu út quan tâm mẹ nhất, quan tâm thực sự. Còn chị… Bất giác câu nói “Mẹ để đấy con làm cho” lại vang lên âm âm, u u trong đầu chị, âm thanh như va đập vang vọng trong vách đá dội vào tai chị làm đầu óc chị quay cuồng, ngực chị nghẹt thở. Mẹ ơi! Chị bật lên gọi mẹ.
Gửi phản hồi
In bài viết